Bà Jeannette Balmer, người phát ngôn của Viện Công tố Thụy Sĩ, cho biết chính quyền Thụy Sĩ đang hợp tác chặt chẽ với chính quyền Ai Cập để phong tỏa tài sản có nguồn gốc bất minh của các quan chức chế độ Ai Cập cũ, bao gồm cả ông Mubarak và gia đình. Thụy Sĩ sẽ cố gắng hoàn trả cho nhân dân Ai Cập số tài sản này trong thời gian sớm nhất.
40 tỉ hay 70 tỉ USD?
Thụy Sĩ là nơi gửi tiền ưa thích của các ông “vua không ngai” ở các nước Ả Rập. Kể từ “cuộc nổi dậy mùa xuân Ả Rập” bắt đầu từ Tunisia cuối năm 2010, Thụy Sĩ đã phong tỏa cả tỉ USD ký gửi trong các ngân hàng Thụy Sĩ của các cựu tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali (Tunisia), Hosni Mubarak (Ai Cập), đại tá Gaddafi (Libya). Tổng thống Bashar al-Assad (Syria) tuy đang tại vị nhưng cũng bị Thụy Sĩ phong tỏa tài sản chiếu theo lệnh cấm vận kinh tế của Liên hiệp châu Âu (EU).
Một poster của người biểu tình ở Cairo tố cáo: Ông Mubarak có 36 tỉ USD; bà Suzanne, vợ ông, có 5 tỉ USD; con trai trưởng Gamal 17 tỉ USD và con trai út Alaa 12 tỉ USD. Tổng cộng 70 tỉ USD. Không rõ thông tin này lấy từ nguồn nào.
Thật ra, rất khó biết tài sản thật sự của ông Mubarak và gia đình là bao nhiêu. Theo bà Amaney Jamal, giáo sư chính trị học Trường Đại học Princeton (Mỹ), tài sản này ước tính từ 40 tỉ đến 70 tỉ USD, phần lớn ở nước ngoài. Phát biểu trên kênh truyền hình ABC News, bà Jamal nhận xét: “Lén lút gửi tiền ở nước ngoài là cách làm chung của các nhà độc tài ở Trung Đông để khỏi bị tịch thu khi chuyển giao quyền lực”.
Ngôi nhà số 28 Công trường Wilton, London - Anh trị giá 24 triệu USD được cho là của con trai trưởng ông Mubarak. Ảnh: AP
Số tiền còn lại, theo El-Khabar, cách đây 10 năm đã gửi vào các tài khoản ẩn danh của Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) và Ngân hàng Scotland, thuộc Tập đoàn Ngân hàng Lloyds. Nhật báo News Egypt (Ai Cập) tiết lộ ngày 25-1-2011, ông Mubarak dùng nhiều tên khác nhau đã chuyển ra nước ngoài 50 triệu EGP, chủ yếu đến các ngân hàng Thụy Sĩ, Mỹ và Anh.
Muôn cách làm giàu
Christopher Davidson, giáo sư dạy môn chính trị Trung Đông ở Đại học Durham, cho biết ông Mubarak, đệ nhất phu nhân Suzanne và 2 con trai làm giàu rất nhanh nhờ là đối tác của các nhà đầu tư và công ty nước ngoài. Các mối làm ăn này đã phát triển rất sớm, từ thời ông Mubarak chưa làm tổng thống.
Hiện tượng trên không phải là cá biệt ở vùng Vịnh, nơi chính quyền sở tại thường yêu cầu các nhà đầu tư muốn khởi nghiệp phải cho phía đối tác địa phương nắm 51% cổ phần. Ông Davidson cho biết: “Tại Ai Cập, mọi dự án đều phải có người bảo trợ. Người đó không ai khác hơn là ông Mubarak hoặc người của gia đình ông này”.
Assem Abdul Mo’ty, Chủ tịch danh dự Cơ quan Kiểm toán Trung ương Ai Cập, giải thích: “Sau bất cứ cuộc cách mạng nào cũng cần phải thay thống đốc ngân hàng trung ương. Đó là cách làm duy nhất để tiếp cận dữ liệu bí mật của chế độ cũ”.
Đầu mất nhưng thân còn
Đó lại là chuyện đang xảy ra. Theo hãng tin Nga RIA Novosti, không có thủ lĩnh nào của lực lượng cách mạng được mời vào nội các mới của tân tổng thống Mohamed Morsi, người của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. Trái lại, rất nhiều người thân của ông Mubarak được lưu dụng. Các quan chức cấp trung cũng toàn người của chế độ cũ. Cho nên, đã có những lời chỉ trích kịch liệt thành phần nội các mới của ông Morsi.
Kỳ tới: 200 tỉ USD của Gaddafi
Bình luận (0)