Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết trường hợp mới nhất là một người phụ nữ tên Karni Binti Medi Tarsim, bị nhà chức trách Ả Rập Saudi kết tội giết chết đứa trẻ mà người này đang chăm sóc vào năm 2012. Vụ hành quyết diễn ra hôm 16-4, chỉ hai ngày sau khi công dân Indonesia Siti Zainab bị chặt đầu cũng về tội giết người.
Trong cả hai trường hợp, chính phủ Indonesia đều triệu tập đại sứ Ả Rập Saudi tại Jakarta để phản đối. Riêng vụ tử hình Tarsim, Bộ Ngoại giao Indonesia bày tỏ “sự nuối tiếc và thất vọng” vì không nắm được thông tin về thời gian, địa điểm hoặc cách thức hành quyết, mặc dù trước hôm hành quyết 1 ngày, một quan chức Indonesia đã đến thăm cô.
Theo thông tin từ giới chức Jakarta, Tarsim (37 tuổi), bị cáo buộc đâm chết một cậu bé 4 tuổi tại TP Yanbu vào năm 2012. Gia đình nạn nhân từ chối tha tội cho Tarsim, trong khi luật Hồi giáo cho phép họ làm điều này. Phía Indonesia đã làm hết sức để bảo vệ công dân mình về mặt pháp lý cũng như tác động tới gia đình nạn nhân miễn án tử cho Tarsim nhưng thất bại.
Đối với trường hợp của Zainab, Tổ chức Chăm sóc Di trú (MC) đại diện cho lao động Indonesia tại nước ngoài, cho rằng Zainab đã hành động để tự vệ, chống lại “sự lạm dụng” của ông chủ. Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) cho biết bà Zainab “thú tội” khi bị cảnh sát Ả Rập Saudi thẩm vấn nhưng không có luật sư làm chứng và không được tiếp xúc với lãnh sự quán Indonesia tại đây.
Tuy nhiên, chính Indonesia cũng từng khiến một số quốc gia bất bình vì xử tử công dân họ, bất chấp sự tác động qua các kênh ngoại giao. Indonesia nối lại án tử hình từ năm 2013 sau lệnh cấm 4 năm. Tháng 1 vừa qua, tổng cộng có 6 người nước ngoài bị Jakarta hành quyết, gồm công dân Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Philippines, đa số vì tội buôn bán ma túy.
Bình luận (0)