Vào thứ sáu tuần qua, Ả Rập Saudi đã từ chối một nhiệm kỳ 2 năm trên chiếc ghế HĐBA trong một biểu hiện hiếm thấy vì giận dữ - điều mà đại diện nước này gọi là những “tiêu chuẩn kép” ở LHQ. Thái độ của Ả Rập Saudi nhận được sự ủng hộ của các đồng minh Ả Rập ở vùng Vịnh và Ai Cập.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi - Hoàng thân Saud al-Faisal - đã mời cơm trưa người đồng nhiệm Mỹ John Kerry tại tư dinh của ông ở Paris. Giới chức Mỹ nói Washington và Riyadh có những mục tiêu chung, đó là một Iran phi hạt nhân, là kết thúc nội chiến ở Syria và giữ ổn định ở đất nước kim tự tháp.
Một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ nói với hãng tin Reuters sau bữa ăn trưa rằng ông Kerry đã viện dẫn những lợi thế hiện nay của tổ chức HĐBA 15 thành viên vốn có thể cho phép hành động quân sự, áp đặt lệnh trừng phạt và tiến hành các hoạt động gìn giữ hòa bình. “Ngoại trưởng Kerry nói rằng trong khi Ả Rập Saudi đưa ra quyết định bất ngờ đó, Mỹ vẫn coi trọng vai trò lãnh đạo của nước này trong khu vực và quốc tế ” - quan chức Mỹ nói.
Chính khách này còn nhấn mạnh rằng “một chiếc ghế trong HĐBA đem lại cho các nước thành viên cơ hội gắn kết trực tiếp”.
HĐBA đã không hoạt động bình thường trong cuộc xung đột kéo dài 31 tháng ở Syria, với việc các thành viên thường trực là Nga và Trung Quốc liên tục chặn đứng các biện pháp trừng phạt Tổng thống Bashar al-Assad, đồng minh lâu đời của Iran nhưng là đối thủ truyền kiếp của Riyadh.
Ả Rập Saudi ủng hộ phần lớn quân nổi dậy Hồi giáo Sunni đang chiến đấu để lật đổ ông Assad. Nhà lãnh đạo Syria, mà phái Alawite của ông bắt nguồn từ dòng Shiite, nhận được sự ủng hộ từ Iran và phong trào Hezbollah thuộc dòng Shiite ở Lebanon. Sự thất vọng của Ả Rập Saudi đối với Nga và Trung Quốc đang lan ra đến Mỹ, không chỉ là cách kết thúc nội chiến Syria, cuộc xung đột triền miên Israel - Palestine, sự ngấm ngầm đồng thuận của Washington trong vụ sụp đổ của Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak mà còn ở chỗ Mỹ đang tìm kiếm một thỏa thuận Ả Rập Saudi gọi là sự “mặc cả lớn” với Iran...
Trước đây, chưa có nước nào được bầu vào HĐBA mà lại thờ ơ với lợi thế đó. Với tư cách một thành viên HĐBA sắp tới, Ả Rập Saudi sẽ ngồi vào chiếc ghế thành viên không thường trực nhiệm kỳ 2 năm. Riyadh yêu cầu có những sửa đổi - nhưng không nói cụ thể - trong tổ chức an ninh cao nhất thế giới này.
Cần nhắc lại, quyết định “khác người” của Ả Rập Saudi nhận được sự ủng hộ của các đồng minh Ả Rập vùng Vịnh. Có lẽ điều Mỹ lo là ở đó.
Bình luận (0)