Tháng 9-2014, phiến quân Houthi dòng Shiite do Iran hậu thuẫn đánh chiếm thủ đô Sanaa của Yemen. Cuối tuần qua, nhóm phiến quân này kiểm soát TP Taiz và di chuyển gần hơn đến thành trì Aden của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi - nhà lãnh đạo Yemen được Mỹ chống lưng.
Ả Rập Saudi nhiều lần cáo buộc Iran gây bất ổn cho láng giềng bằng cách hỗ trợ cho các nhóm phiến quân Hồi giáo. Riyadh cũng phải đối mặt với nguy cơ bất ổn thường trực dọc biên giới 1.800 km với Yemen.
Một quan chức Mỹ giấu tên hôm 24-3 cho biết Washington đã có được thông tin tình báo về việc Ả Rập Saudi đang bí mật thành lập quân đội ở khu vực biên giới, động thái cho thấy có khả năng “vua dầu” Trung Đông sẽ bị kéo vào cuộc xung đột không có hồi kết bên nước láng giềng.
Hai nguồn tin chính phủ Mỹ tiết lộ Riyadh huy động xe bọc thép và pháo binh, dường như để chuẩn bị cho một cuộc tấn công. Tuy nhiên, hai quan chức khác của Mỹ khẳng định đây chỉ là hành động phòng vệ của Riyadh.
Trong khi đó, quy mô lực lượng mà Ả Rập Saudi triển khai đang làm Washington lo ngại. Một nguồn tin cho rằng Ả Rập Saudi đã chuẩn bị kế hoạch không kích bảo vệ Tổng thống Hadi nếu phiến quân Houthi tấn công nơi ẩn náu của ông tại cảng biển phía Nam Aden.
Kể từ khi chạy trốn khỏi thủ đô Sanaa hồi tháng 2 vừa qua, ông Hadi cùng các cận vệ trung thành của mình đã chạy trốn tới cảng biển này. Hôm 24-3, lực lượng của tổng thống Yemen đánh bật các tay súng Houthi khỏi 2 thị trấn chiếm giữ vài giờ trước đó.
Nhận định về chiến lược của Ả Rập Saudi tại Yemen, Đại sứ Mỹ tại Yemen Matthew Tueller cho rằng Riyadh “chỉ quan tâm đến sự can thiệp của Iran vào quốc gia có đường biên giới sát với họ” mà không để ý tới cuộc xung đột.
Trước đó, ngày 21-3, Riyadh đã tổ chức một cuộc hội đàm cấp cao với các nước láng giềng vùng Vịnh - cũng hậu thuẫn tổng thống Hadi - đồng ý làm hết sức vì sự ổn định của Yemen. Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Saud al-Faisal tuyên bố các nước Ả Rập sẽ có biện pháp cần thiết để bảo vệ khu vực chống lại sự “gây hấn” của phong trào Houthi nếu một giải pháp hòa bình không thể đạt được.
Tháng 3-2011, quân đội Ả Rập Saudi kết hợp với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) triển khai vào Bahrain sau nhiều tuần biểu tình của đa số người Shiite. Riyadh lo sợ các cuộc biểu tình sẽ giúp Iran mở rộng ảnh hưởng. Nước này cũng từng quan ngại việc Iran hậu thuẫn Iraq lấy lại TP Tikrit từ tay Nhà nước Hồi giáo (IS).
Bình luận (0)