Một tuần sau khi cựu Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey bị sa thải, chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn đang loay hay đối phó với cuộc khủng hoảng có dấu hiệu ngày một nghiêm trọng này.
Nguy cơ lâu dài
Đối mặt với áp lực tăng cao từ quốc hội, Bộ Tư pháp Mỹ ngày 17-5 đã chỉ định ông Robert Mueller, cựu giám đốc FBI, làm công tố viên đặc biệt để điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 cũng như khả năng thông đồng giữa đội ngũ vận động tranh cử của ông Trump và Moscow.
Phe Dân chủ và một số thành viên Đảng Cộng hòa (GOP) trước đó đã yêu cầu một cuộc điều tra độc lập xem liệu Nga có cố tác động khiến kết quả cuộc bầu cử có lợi cho ông Trump hay không.
Phát biểu sau khi xuất hiện thông báo của Bộ Tư pháp, Tổng thống Trump nói đang trông chờ một giải pháp chóng vánh. "Như tôi đã nói nhiều lần, một cuộc điều tra triệt để sẽ xác định điều chúng ta đã biết lâu nay - đó là không hề có sự thông đồng giữa đội ngũ vận động tranh cử của tôi và bất kỳ thực thể nước ngoài nào" - tổng thống Mỹ nhấn mạnh. Bất chấp phản ứng này, tờ USA Today nhận định việc chỉ định công tố viên đặc biệt giúp Tổng thống Trump nhẹ nhõm trong thời gian ngắn nhưng đem lại nguy cơ lâu dài.
Đi xa hơn, tạp chí Politico thậm chí còn gọi động thái trên là cơn ác mộng của Nhà Trắng thời ông Trump. Từ vụ Watergate (1972) đến xì-căng-đan Iran-Contra (1985-1987), các công tố viên đặc biệt đều có xu hướng thực hiện các cuộc điều tra kéo dài nhiều năm, dẫn đến các thông tin mới bất lợi về các tài liệu, trát của tòa án và đôi khi là bản cáo trạng và thậm chí cả sự kết tội.
Vì thế, sẽ chẳng ngạc nhiên nếu cuộc điều tra của ông Mueller kéo dài hơn nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Trong suốt thời gian đó, đội ngũ nhân viên Nhà Trắng sẽ không tránh khỏi tình trạng sao nhãng, mệt mỏi và lo sợ bị lôi kéo vào vụ việc này.
Ông James Comey (phải) và ông Robert Mueller Ảnh: Reuters
Quốc hội lo ngại
Trước mắt, theo trang McClatchy, các chuyên gia về chính sách đối ngoại thắc mắc liệu ông Trump có hủy chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức hay không. Theo kế hoạch, ông Trump lần lượt thăm Ả Rập Saudi, Israel, Ý, Bỉ từ ngày 20 đến 27-5. Giới chức Mỹ hôm 17-5 khẳng định kế hoạch này không có gì thay đổi trong lúc một số người ủng hộ cho rằng việc rời Washington có thể giúp ông Trump tạm thoát khỏi tình trạng hỗn loạn hiện nay.
Cùng ngày, tổng thống Mỹ đã làm thế khi đến bang Connecticut dự một buổi lễ tại Học viện Cảnh sát biển Mỹ. Trong phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi có thông tin ông yêu cầu ông Comey ngừng điều tra cựu Cố vấn An ninh quốc gia Michael Flynn, ông Trump tiếp tục phàn nàn về cách truyền thông đối xử với mình: "Trong lịch sử, chẳng có chính khách nào bị đối xử tệ hại hoặc bất công hơn tôi đâu".
Ngoài Nhà Trắng, vụ tranh cãi trên còn đe dọa phủ bóng hoạt động của quốc hội Mỹ thời gian tới. Theo trang Defense News, nhiều nghị sĩ Mỹ lo ngại một loạt vấn đề quan trọng, như chi tiêu liên bang dành cho quốc phòng và chương trình nghị sự của GOP, bị bế tắc. Dự kiến tuần tới, Tổng thống Trump sẽ đưa ra dự thảo ngân sách có thể cắt giảm chi tiêu nội địa để tăng ngân sách quốc phòng, một viễn cảnh gây bất đồng vì phe Dân chủ phản đối.
Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mac Thornberry lo lắng "vở kịch chính trị" về ông Comey sẽ ngốn mất thời gian và sự quan tâm dành cho các ưu tiên khác của quốc hội. Ngay cả thượng nghị sĩ đầy quyền lực Orrin Hatch, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, cũng quan ngại chương trình nghị sự của GOP có thể "mắc cạn" vì vụ Nga và vụ ông Comey.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thành viên GOP, cảnh báo tiến trình chính trị sẽ "bị đình trệ" nếu quốc hội không sớm yêu cầu ông Comey ra điều trần về cáo buộc ông Trump can thiệp vào cuộc điều tra của FBI.
Bình luận (0)