Trong lúc các chuyên gia an ninh hàng hải và hải cảng bị chia rẽ về việc liệu thực trạng này có dẫn đến nguy cơ lực lượng hải quân Mỹ và NATO bị do thám hay không, chính quyền những nước có cảng biển liên quan dường như không thấy thoải mái với vấn đề này và không muốn can thiệp.
Rủi ro an ninh
Trong những tháng gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa trừng phạt các đồng minh của NATO ở châu Âu nếu họ mua công nghệ không dây 5G từ hãng thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc).
Giới chức Mỹ cho rằng các doanh nghiệp Trung Quốc buộc phải hợp tác với các cơ quan tình báo nước họ và có thể do thám tài sản của đồng minh. Vì thế, các công ty cảng Trung Quốc có thể giám sát tàu chiến Mỹ đang neo đậu tại các hải cảng ở châu Âu.
Washington cho đến nay chưa công khai công kích các đồng minh châu Âu về vấn để trên. Dù vậy, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập các hoạt động của Trung Quốc tại cảng Haifa của Israel. Tập đoàn Cảng quốc tế Thượng Hải (SIPG) của Trung Quốc sẽ quản lý cơ sở này trong 25 năm, tính từ năm 2021.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, USS Mitscher, cập cảng Piraeus của Hy Lạp hồi tháng 4-2019. Ảnh: Greek Reporter
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 3 cảnh báo Washington có thể bớt chia sẻ thông tin tình báo cho đồng minh Trung Đông này nếu Israel không xem xét lại chuyện hợp tác về cơ sở hạ tầng với Trung Quốc.
Ông Eyal Pinko, một chuyên gia về tình báo và an ninh mạng hàng hải tại Trường ĐH Bar-Ilan (Israel), tin rằng các hoạt động của Trung Quốc tại Djibouti, Hy Lạp, Ý và các quốc gia đồng minh hoặc thân với Washington có thể gây rủi ro an ninh cho hải quân Mỹ.
Theo ông Pinko, các công ty cảng Trung Quốc có thể theo dõi chặt chẽ sự di chuyển của tàu chiến Mỹ và NATO, thu thập thông tin về hoạt động bảo trì của họ và tiếp cận các hệ thống và thiết bị nhạy cảm thông qua việc chặn tín hiệu điện từ, thu thập thông tin tình báo...
Tàu Mỹ vẫn đang tiếp tục dừng tại cảng của các nước đồng minh mà Trung Quốc có mặt.
Vào giữa tháng 4, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, USS Mitscher, đã cập cảng Piraeus của Hy Lạp, nơi Tập đoàn vận tải biển Cosco (Trung Quốc) nắm đa số cổ phần. Ngoài ra, hai tàu hải quân từ các thành viên NATO ở châu Âu cũng cập cảng này vào tháng 4.
Tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ mới đây ghé thăm cảng ở TP Marseille - Pháp. Công ty China Merchants Port Holdings (CMPort) hiện nắm giữ 25% cổ phần tại cảng Eurofos của Pháp.
Washington thổi phồng mối đe dọa?
Cơ quan quản lý cảng Rotterdam ở Hà Lan từ chối cho biết liệu họ có chia sẻ mối lo ngại của Washington về hoạt động của Trung Quốc tại các cơ sở cảng thuộc các nước đồng minh và tác động tiềm tàng của chúng đối với an ninh của tàu chiến Mỹ và NATO hay không.
Tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ tại cảng ở TP Marseille - Pháp hôm 27-4. Ảnh: Hải quân Mỹ
Cosco đang sở hữu 35% cổ phần tại cảng Euromax Terminal của Hà Lan. Bộ Quốc phòng Hà Lan cho biết họ không thể đề cập cụ thể về hoạt động của các cảng tại nước này nhưng chỉ ra rằng các cơ quan tình báo Trung Quốc "đang tích cực tìm cách thu thập thông tin quân sự" ở Hà Lan.
Trong khi đó, Bộ Hạ tầng và Giao thông Ý cho biết các cảng thương mại ở nước này không có các phương thức bảo mật đặc biệt để đối phó với hoạt động tình báo tiềm tàng của Bắc Kinh.
Cosco và Công ty Phát triển quốc tế Cảng Thanh Đảo đã cùng nhau góp 49,9% vốn vào một cơ sở tại cảng Genoa - Ý và nơi này sẽ bắt đầu hoạt động vài tháng 12.
Cơ quan quản lý cảng Genoa cho biết, hoạt động do thám của Trung Quốc không phải là vấn đề vì tàu chiến Mỹ, NATO không sử dụng cảng thương mại của Ý. Dù vậy, đại diện NATO lại cho biết trong các chuyến thăm cảng Ý của tàu NATO năm ngoái, khoảng một phần tư tàu ghé vào cảng dân sự.
Tàu khu trục USS Donald Cook tại cảng ở Haifa - Israel. Ảnh: Hải quân Mỹ
Người châu Âu không cho thấy ý định nhượng bộ áp lực của Mỹ trong việc hủy bỏ các thỏa thuận cơ sở hạ tầng với Trung Quốc. Không những thế, các nhà khai thác cảng tại châu lục này còn sẵn sàng mở rộng hợp tác với các đối tác Trung Quốc, thể hiện qua thỏa thuận Trung Quốc-Hà Lan gần đây để phát triển một tuyến vận tải đa phương thức kết nối tỉnh Tứ Xuyên và Bờ Đông Mỹ thông qua cảng Rotterdam.
Tương tự, ít có khả năng Israel chịu hủy bỏ hợp đồng cảng Haifa với SIPG. Một số người Israel thậm chí cho rằng chính phủ Mỹ thổi phồng mối đe dọa nói trên vì người Trung Quốc thực sự không cần phải mua hoặc đầu tư vào các cảng Israel chỉ để do thám tàu hải quân Mỹ.
Bình luận (0)