Trước đó, các tay súng tấn công các trạm kiểm soát quân đội bảo vệ sân bay El Arish, gần biên giới với dải Gaza và Israel. Hiện chưa rõ các cuộc tấn công này có liên quan đến chuyện truất phế ông Morsi hay không. Chiến binh Hồi giáo được cho là có liên hệ với Al-Qaeda, đôi khi liên minh với bọn buôn lậu Bedouin và với binh lính Palestine từ Gaza.
Những người biểu tình chống ông Morsi diễu hành tại quảng trường Tahrir ở Cairo hôm 4-7.
Ảnh: REUTERS
Ngày 4-7, một lãnh đạo của phong trào Anh em Hồi giáo là Mohammed Badie, được mệnh danh "người dẫn đường tối cao", đã bị bắt và đưa đến Cairo trên một chiếc trực thăng quân sự. Theo Sky News, ông này bị bắt tại thành phố Marsa Matrouh vì "xúi giục giết hại người biểu tình".
Một nguồn tin tư pháp tiết lộ các công tố viên sẽ bắt đầu thẩm vấn những thành viên của Anh em Hồi giáo vào ngày 8-7, kể cả ông Morsi, vì “xúc phạm tòa án”. Có thông tin những người này đang bị giam giữ cùng nhà tù với cựu Tổng thống Hosni Mubarak ở Cairo.
Trước đó, cũng vào ngày 4-7, thủ lĩnh Anh em Hồi giáo tại Ai Cập, ông Mohamed El-Beltagy, tuyên bố phong trào này sẽ án binh bất động sau vụ quân đội lật đổ Tổng thống Morsi. Trả lời phóng viên tại một cuộc biểu tình ủng hộ ông Morsi diễn ra bên ngoài một nhà thờ Hồi giáo ở thủ đô Cairo, ông El-Beltagy khẳng định: “Đây là một cuộc đảo chính quân sự. Chúng tôi không chấp nhận tính hợp pháp của hành động này cho đến khi nó được sửa sai”.
Trong khi đó, sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời, ông Mansour khẳng định Anh em Hồi giáo được mời tham gia quá trình xây dựng đất nước và họ sẽ được hoan nghênh nếu chấp nhận lời mời. Tuy nhiên, Sheikh Abdel Rahman al-Barr, một thành viên cấp cao của Anh em Hồi giáo, tuyên bố lực lượng này sẽ không hợp tác với chính quyền đã tiếm quyền của Tổng thống Morsi, song kêu gọi tránh các hành động bạo lực có thể khiến căng thẳng leo thang.
Anh em Hồi giáo kêu gọi người dân xuống đường trong “ngày thứ sáu chối bỏ”
để phản đối đảo chính quân sự lật đổ ông Morsi. Ảnh: AP
Trong một nỗ lực nhằm trấn an chính quyền Mỹ, Ngoại trưởng Ai Cập Mohamed Kamel Amr ngày 4-7 điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và cho rằng Washington cần xem xét tình hình dưới góc độ tích cực. Phía Mỹ kêu gọi quan chức Ai Cập tránh những “vụ bắt giữ tùy tiện” đối với tổng thống bị lật đổ và người ủng hộ ông. Cùng ngày, quân đội Ai Cập cũng bác bỏ tin đồn nói rằng đang có sự chia rẽ và phân hóa nghiêm trọng trong các lực lượng vũ trang của Ai Cập.
Bình luận (0)