Hầu hết người biểu tình đã rời quảng trường Tahrir ở Cairo (Ai Cập) sau khi quân đội quyết định giải tán quốc hội và đình chỉ hiến pháp hôm 13-2. Nhiều người hoan nghênh quyết định trên, xem đó là động thái đoạn tuyệt với chế độ của ông Hosni Mubarak.
Một nhóm cảnh sát đòi tăng lương trong cuộc biểu tình ở Cairo, Ai Cập hôm 13-2. Ảnh: AP
Một nguồn tin cho hãng tin Reuters biết quân đội Ai Cập sẽ tiếp tục ban hành những mệnh lệnh nhằm ngăn chặn những hoạt động gây xáo trộn và đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Hôm 14-2, họ đã ra tối hậu thư yêu cầu vài chục người biểu tình vẫn còn bám trụ tại quảng trường Tahrir giải tán nếu không sẽ đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ.
Về phần mình, các thủ lĩnh cuộc biểu tình cho biết người Ai Cập sẽ lại xuống đường nếu những yêu cầu của họ về sự thay đổi nhanh chóng theo hướng dân chủ không được đáp ứng.
Họ có kế hoạch tổ chức một cuộc tuần hành khổng lồ trong ngày 18-2 để ăn mừng thắng lợi, đồng thời có ý nhắc nhở quân đội về sức mạnh của quần chúng.
Đài BBC nhận định rằng thách thức lớn hơn mà các nhà lãnh đạo quân sự lâm thời Ai Cập đối mặt trong thời gian tới là nguy cơ xảy ra làn sóng đình công.
Lấy cảm hứng từ cuộc biểu tình lật đổ ông Mubarak, người lao động đang tăng cường nỗ lực đình công để đòi hỏi việc làm ổn định, tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc...
Hôm 14-2, hàng trăm người tập trung bên ngoài chi nhánh của Ngân hàng Alexandria ở Cairo, yêu cầu các ông chủ của mình ra đi.
Ngoài ra, các cuộc biểu tình và đình công cũng xảy ra tại các công ty và cơ quan nhà nước ở khắp Ai Cập, từ sàn giao dịch chứng khoán, công ty dệt may, thép cho đến các tổ chức truyền thông, Bộ Văn hóa, Bộ Y tế...
Đứng trước nguy cơ nói trên, nhà chức trách quân sự dự kiến sẽ ban hành lệnh cấm đình công như một động thái cảnh báo những người muốn gây ra “sự hỗn loạn và mất trật tự”. Trước mắt, các ngân hàng đã được lệnh đóng cửa trong ngày 14-2 vì đình công.
Trong lúc này, nỗi lo về một hiệu ứng domino sau khi ông Hosni Mubarak từ chức đã xuất hiện ở một số nước. Tại Algeria, hàng trăm người biểu tình xung đột với cảnh sát ở thành phố Annaba hôm 13-2.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ cũng diễn ra ở các thành phố khắp Algeria bất chấp lệnh cấm. Theo hãng tin AFP, hàng chục người biểu tình đã bị bắt trong lúc cảnh sát tấn công một số phóng viên. Phe đối lập thông báo sẽ tổ chức một cuộc tuần hành lớn chống chính phủ vào ngày 19-2 tới.
Tại Yemen, hàng trăm người biểu tình chống chính phủ và những người ủng hộ Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã xung đột tại thị trấn Taiz hôm 14-2. Cùng ngày, tại Iran, cảnh sát đã bắn hơi cay để giải tán hàng ngàn người tuần hành ở Quảng trường Imam Hossein, thủ đô Tehran. Trước đó một ngày, Tổng thống Saleh đã quyết định hủy chuyến thăm Mỹ dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2 do các cuộc biểu tình kêu gọi lật đổ ông đang gia tăng.
Trong khi đó, theo hãng tin AFP, nhóm Taliban dự báo rằng Chính phủ Afghanistan được sự hậu thuẫn của Mỹ sẽ bị người dân lật đổ theo sau sự sụp đổ của chế độ Hosni Mubarak ở Ai Cập.
Ông Mubarak bệnh nặng
Hãng tin nga RIA dẫn nhật báo Ai Cập Al-Masry Al-Youm cho rằng cựu tổng thống (TT) Ai Cập Hosni Mubarak bị bệnh nặng nhưng đã qua khỏi cơn hôn mê.
Một nhật báo Ai Cập khác là Al-Gomhuria dẫn một nguồn tin thân cận với ông Mubarak nói rằng ông ấy “bị tổn thương tâm lý trầm trọng nhưng không chịu chữa trị dù có bệnh”. Nguồn tin này xác nhận rằng ông Mubarak hiện đang cư ngụ tại thành phố bờ biển Sharm el-Sheikh – nơi ông có dinh thự riêng.
Trong khi đó, tạp chí Israel JJJ News bản tiếng Pháp nói rằng ông Mubarak đang bị ung thư ở giai đoạn cuối và đang được điều trị tại một bệnh viện thuộc bang Baden của Đức. Tuy nhiên, báo Mỹ Washington Post dẫn lời người phát ngôn của thủ tướng Đức Steffen Seibert chính thức khẳng định rằng ông Mubarak không có mặt tại nước này. Nguồn tin cấp cao của chính quyền Ai Cập và chính quyền Mỹ cũng khẳng định cựu TT Mubarak đang ở Sharm el-Sheikh.
Năm ngoái, ông Mubarak đã sang Đức một thời gian khá lâu để giải phẫu túi mật.
Lưu Nguyễn |
Bình luận (0)