Ngày 14-10 tới, nếu còn đương chức, ông Hosni Mubarak tròn 30 năm làm tổng thống Ai Cập. Ngày đăng quang, ông Mubarak hứa hẹn với người dân “một xã hội công bằng không có cửa cho những kẻ đặc quyền đặc lợi”. Ngày ông từ chức, xã hội Ai Cập đầy rẫy bất công và những kẻ đặc quyền đặc lợi. Tham nhũng hoành hành ở mọi cấp bậc của chính quyền.
Chọn binh nghiệp tiến thân
Pierre Prier, một cây bút hàng đầu của nhật báo Pháp Le Figaro, mô tả “dưới chế độ (Mubarak), người dân bị theo dõi, làm cho sợ hãi và bị hạ nhục”.
Trên internet đầy rẫy những đoạn băng video cho thấy nhiều người dân bị tra tấn chết dở, sống dở nếu chẳng may gặp “không đúng lúc” một đội tuần tra cảnh sát.
Trong một đất nước mà quân đội thống trị từ thập niên này sang thập niên khác, ông Hosni Mubarak có ưu điểm sớm chọn binh nghiệp để gầy dựng tương lai. Sinh ngày 4-5-1928 tại Kafr el-Meselha, một ngôi làng nhỏ ở vùng đồng bằng sông Nile, ông Mubarak là con của một viên thanh tra Bộ Tư pháp.
Tuy gốc gác khiêm tốn nhưng nhờ học hành tấn tới, ông tốt nghiệp Học viện Quân sự Ai Cập năm 1949 trước khi gia nhập không quân năm 1950, sau đó được cử đi học lái máy bay ném bom ở Liên Xô và khóa sĩ quan tham mưu trưởng tại Học viện Frunze danh giá của Liên Xô.
Lần xuất hiện cuối cùng của Tổng thống Mubarak trên đài truyền hình quốc gia Ai Cập đêm 10-2. Ảnh: AP
Năm 1973, khi Tổng thống Sadat phát động cuộc chiến “6 tháng 10” chống Israel, với tư cách là tư lệnh không quân và thứ trưởng quốc phòng, ông Mubarak hoạch định cuộc tấn công bất ngờ bằng không quân vào các vị trí quân Israel chiếm đóng ở bán đảo Sinai từ năm 1967.
Trong cuốn hồi ký của mình, Tổng thống Sadat mô tả ông Mubarak đã có “một hành động đáng ghi nhớ, anh hùng và vẻ vang”.
Hai năm sau, ông được Tổng thống Sadat bổ nhiệm làm phó tổng thống. Ngày 6-10-1981, ông Mubarak ngồi cạnh ông Sadat trên lễ đài duyệt binh, 4 tay súng Hồi giáo cực đoan xông lên lễ đài bắn chết Tổng thống Sadat.
Ông Mubarak nằm dài trên lễ đài để tránh đạn, chỉ bị thương nhẹ ở bàn tay trái. Sau sự kiện này, Mubarak trở thành tổng thống thứ tư của Ai Cập.
Tình trạng khẩn cấp
Trong suốt gần 30 năm điều hành đất nước, ông Mubarak duy trì Luật Tình trạng khẩn cấp có từ năm 1958 để củng cố địa vị.
Theo luật này, quyền hạn cảnh sát được mở rộng tối đa, quyền công dân theo hiến pháp bị “treo”. Chính quyền có quyền bỏ tù bất cứ ai mà không cần xét xử. Tù nhân chính trị có lúc ước tính lên đến 30.000 người.
Theo ông Mubarak, ông buộc phải làm như vậy để ngăn chặn Hồi giáo, kể cả Hội Anh em Hồi giáo (MB) vốn ôn hòa, chiếm chính quyền. Ông làm đủ mọi cách để các đảng đối lập không có đất hoạt động.
Đảng Dân chủ quốc gia (PND) do ông lãnh đạo chiếm 494/tổng số 508 ghế. Mọi quyền lực đều tập trung vào cá nhân Mubarak – vì vậy ông mới có biệt hiệu Pharaon (vua Ai Cập thời cổ đại) - và những thành viên gia đình ông.
Hồi giáo cũng được ông dùng làm con “ngáo ộp” hù dọa các nước phương Tây. “Chúng tôi hoặc là Hồi giáo” - Tổng thống Mubarak nói với họ. Có nghĩa là nếu bỏ rơi Mubarak, Ai Cập - nước Ả Rập đông dân nhất với 85 triệu người – sẽ bất ổn, cả vùng Trung Đông cũng bất ổn.
Jean-Noel Ferrié, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp, nhận xét: “Giống như các chế độ độc tài khác, ông Mubarak thực thi chính sách “tiêu thổ”. Nếu chế độ Mubarak sụp đổ thì Hồi giáo cũng không thể chiếm chính quyền và Ai Cập rơi vào cảnh hỗn loạn”.
Trung úy không quân hoàng gia Ai Cập Hosni Mubarak thời vua Farouk. Ảnh: AFP
Chính sách nói trên đã giúp ông Mubarak tồn tại khá thoải mái suốt thập niên 1980. Nhưng bắt đầu từ thập niên 1990, các phần tử Hồi giáo cực đoan manh động mạnh.
Bạo lực xảy ra liên tục, nhiều quan chức chính quyền và tín đồ Công giáo bị giết bằng bom, đạn. Riêng Tổng thống Mubarak bị mưu sát 6 lần nhưng không chết. Cảnh sát và quân đội Ai Cập phản công quyết liệt. Các phần tử Hồi giáo bị đàn áp dã man. Các lãnh tụ MB bị vào tù ra khám như cơm bữa.
Ảo tưởng
Tuy nhiên, nguyên nhân chính làm “hệ thống Mubarak” sụp đổ không phải là chính trị mà là kinh tế. Ai Cập sống nhờ nguồn xuất khẩu dầu thô và khí đốt (nước xuất khẩu đứng thứ 6 thế giới).
Ngoài ra, từ năm 1979, Ai Cập được Mỹ viện trợ đều đặn 2,2 tỉ USD/năm. Một số cải cách kinh tế từ năm 2003 đã phát huy tác dụng. Mức tăng trưởng GDP của Ai Cập có lúc đạt 7,5% nhưng đa số người dân không được hưởng.
Tầng lớp siêu giàu nở nồi, trong khi hàng chục triệu người dân sống dưới mức nghèo khổ. Ngành y tế và giáo dục xuống cấp. Và khi phần lớn sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm, chính phủ không thể kiềm chế được giá cả lương thực và nhu yếu phẩm thì người dân không còn cam chịu.
Cho tới giờ phút cuối cùng, ông Mubarak vẫn ảo tưởng: Ở Ai Cập không một người nào có thể thay thế ông, kể cả con trai út Gamal Mubarak, mặc dù có lúc - do tuổi già sức yếu và áp lực của vợ - ông hé lộ ý định đưa Gamal lên làm tổng thống.
Khi hàng triệu người xuống đường phản đối chính sách cảnh sát trị, yêu cầu Tổng thống Mubarak từ chức, ông và đệ nhất phu nhân Suzanne Mubarak vẫn tuyên bố rằng: “Chúng tôi đã phụng sự đất nước hết sức”. Cựu đại sứ Mỹ tại Ai Cập Daniel Kurtzer từng nhận xét: “Đó là bi kịch của ông Mubarak. Ông ấy tin rằng mình là người giữ đê chắn sóng duy nhất”.
Cuộc Cách mạng Hoa Lài ở Tunisia và 18 ngày xuống đường của hàng triệu người dân bất mãn là cây đinh cuối cùng đóng lên nắp quan tài chế độ Mubarak.
Kỳ tới: Triều đại Mubarak
Bình luận (0)