Hãng tin Reuters dẫn lời công tố viên nhà nước Ahmed el-Bahrawi nhấn mạnh phán quyết trên là “cuối cùng và phía công tố không thể kháng cáo”.
Luật sư của ông Mubarak cho rằng ông sẽ được rời khỏi nhà tù trong ngày 22-8. Tuy nhiên, vào cuối ngày 21-8, văn phòng của Thủ tướng lâm thời Hazem el-Beblawi nhấn mạnh cựu tổng thống sẽ bị quản thúc tại gia.
Cựu Tổng thống Mubarak được thả nhưng sẽ bị quản thúc tại gia. Ảnh: Reuters
Động thái này chắc chắn sẽ lại khiến chính trường Ai Cập dậy sóng thêm nữa. Ông Mubarak, 85 tuổi, vẫn đang trong quá trình xét xử phúc thẩm với một cáo buộc khác là ra lệnh sát hại người biểu tình trong cuộc nổi dậy năm 2011. Tuy nhiên, ông Mubarak đã mãn hạn giam giữ tối đa trước khi có phán quyết cuối cùng. Trong phiên sơ thẩm vào năm ngoái, cựu tổng thống đã bị tuyên án chung thân vì tội không ngăn chặn việc giết hại người biểu tình.
Trong khi đó, ngày 21-8, Liên minh Quốc gia Ủng hộ tính hợp pháp, bao gồm 33 phong trào Hồi giáo trong đó có tổ chức Anh em Hồi giáo, đã kêu gọi người dân Ai Cập xuống đường biểu tình phản đối quân đội vào ngày 23-8 tới. Tuy nhiên, liên minh này không đề cập tới địa điểm tổ chức tuần hành như thường lệ.
Trước đó 3 ngày, liên minh này đã thất bại trong việc tổ chức các cuộc tuần hành lớn do an ninh bị thắt chặt.
Ai Cập vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp. Hàng trăm thành viên của Anh em Hồi giáo đã bị bắt giữ, trong đó có thủ lĩnh tối cao Mohammed Badie cũng như nhà thuyết giáo Safwat Hegazi.
Các lực lượng Hồi giáo tiếp tục kêu gọi biểu tình chống quân đội. Ảnh: Reuters
Cùng ngày 21-8, ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu đã họp khẩn ở Brussels – Bỉ và quyết định ngừng xuất khẩu các thiết bị quân sự cho Ai Cập cũng như đánh giá lại việc hợp tác an ninh. Các quốc gia châu Âu bán vũ khí cho Ai Cập nhiều nhất là Đức, Pháp và Tây Ban Nha. Riêng Anh đã dừng một số hỗ trợ quân sự cho Ai Cập.
Tuy nhiên, khoản viện trợ nhân đạo của EU cho Ai Cập không bị ảnh hưởng.
Bình luận (0)