Hãng Hàng không AirAsia Indonesia xác nhận đã tiến hành các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn sau khi chiếc máy bay Airbus A320-200 mang số hiệu QZ8501 chở 162 người, gồm 155 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn, mất tích sáng 28-12 lúc bay từ TP Surabaya - Indonesia đến Singapore. '
AirAsia Indonesia thông báo: “Chúng tôi hiện chưa có thêm thông tin về tình trạng của các hành khách và phi hành đoàn nhưng cam đoan sẽ cung cấp thông tin bất cứ khi nào có thể”. Đây là vụ mất tích máy bay đầu tiên của hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á này.
Không phát tín hiệu khẩn cấp
Theo một số thông tin chưa được kiểm chứng, chiếc QZ8501 có thể đã rơi xuống vùng biển cách đảo Belitung - Indonesia khoảng 80-100 hải lý. Theo đó, máy bay đã lượn quanh trong khu vực Belitung để tránh bão trước khi lọt vào vùng nhiễu loạn không khí và rơi xuống biển.
Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn quốc gia Indonesia (Basarnas) cho biết đã cử một con tàu với 22 thành viên đến Belitung để tìm kiếm chiếc máy bay. Theo ông Djoko Murjatmodjo, Cục trưởng Cục Vận tải Hàng không thuộc Bộ Giao thông Indonesia, nhà chức trách đang tập trung tìm kiếm ở khu vực giữa đảo Belitung và Kalimantan, phía Tây đảo Borneo, khoảng giữa tuyến đường của chuyến bay QZ8501. Tuy nhiên, hoạt động tìm kiếm có thể gặp khó khăn bởi điều kiện thời tiết xấu.
Người nhà các hành khách trên chuyến bay QZ8501 chờ đợi tin tức tại sân bay quốc tế Juanda
ở Surabaya hôm 28-12. Ảnh: REUTERS
Điện thoại thăm hỏi và chia sẻ cùng Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno L.P. Marsudi ngày 28-12, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm chiếc máy bay mất tích nếu được yêu cầu.
Trước đó, không quân Indonesia đã cử 2 máy bay lùng sục khu vực biển Java, phía Tây Nam TP Pangkalan Bun thuộc tỉnh Kalimantan. “Trời nhiều mây trong khi khu vực này toàn biển. Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm nên không muốn đưa ra giả định về những gì đã xảy ra với chiếc máy bay mất tích” - ông Hadi Cahyanto, phát ngôn viên không quân Indonesia, cho biết.
Sau khi hay tin, không quân và hải quân Singapore đã đề nghị giúp đỡ nhà chức trách Indonesia, đồng thời đưa 2 chiếc máy bay vận tải quân sự C130 tham gia tìm kiếm. Quân đội Singapore đang kết hợp với phía Indonesia thực hiện công tác tìm kiếm QZ8501 cả trên không lẫn dưới biển.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng cho biết nước này sẽ hỗ trợ AirAsia tìm kiếm chuyến bay QZ8501. “Lúc này, tôi không nhận được nhiều thông tin. Chúng tôi sẽ giúp tìm hiểu cho bằng được chuyện gì đã xảy ra với máy bay” - ông khẳng định.
Lo lắng, bàng hoàng
Theo AirAsia, QZ8501 đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu Indonesia lúc 6 giờ 24 phút (giờ địa phương), tức 42 phút sau khi cất cánh và 1 giờ trước khi hạ cánh xuống Singapore theo lịch trình. Vào thời điểm đó, chiếc máy bay đang ở vị trí giữa cảng Tanjung Pandan và TP Pontianak thuộc tỉnh West Kalimantan trên đảo Borneo - Indonesia. Đáng chú ý, viên cơ trưởng đã có tổng cộng 6.100 giờ bay và chiếc máy bay đã được bảo dưỡng lần gần nhất vào ngày 16-11.
Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn lời ông Hadi Mustofa, một quan chức Bộ Giao thông Indonesia, cho biết QZ8501 mất liên lạc với Jakarta lúc 6 giờ 17 phút (giờ địa phương). Theo ông Murjatmodjo, phi công đã liên lạc với trạm kiểm soát không lưu Jakarta lúc 6 giờ 12 phút và báo cáo có nhiều mây, yêu cầu được bay cao hơn để tránh, từ 9.700 m lên 11.582 m. Ông khẳng định QZ8501 không phát tín hiệu khẩn cấp nào trước khi mất liên lạc. Giới chức Indonesia cho biết QZ8501 chỉ có đủ nhiên liệu để bay trong vòng 4 giờ rưỡi.
Theo AirAsia Indonesia, chuyến bay QZ8501 chở 145 người lớn, 16 trẻ em và 1 trẻ sơ sinh. Xét về quốc tịch, những hành khách mất tích gồm 155 người Indonesia, 3 Hàn Quốc, 1 Singapore, 1 Malaysia, 1 Pháp và 1 Anh. Theo danh sách hành khách được công bố, có một số gia đình đi cùng nhau trên chuyến bay định mệnh này, trong khi 23 người không lên máy bay.
Hàng trăm thân nhân các hành khách trên chuyến bay QZ8501 đã tập trung tại sân bay quốc tế Juanda ở TP Surabaya để nghe ngóng thông tin về người thân của họ trên chiếc máy bay mất tích. Nhiều người vừa nói chuyện qua điện thoại vừa vật vã khóc. Một số người hết sức bàng hoàng.
Một phụ nữ 45 tuổi tâm sự 6 người trong gia đình của bà có mặt trên chuyến bay này. “Lâu nay, họ vẫn luôn đi máy bay của hãng AirAsia. Tôi sốc khi nghe hung tin và rất lo khi biết máy bay có thể đã rơi” - bà nghẹn ngào.
Sân bay Changi ở Singapore cũng thiết lập một khu vực dành riêng để hỗ trợ thân nhân của các hành khách trên máy bay mất tích. Ngay từ sáng 28-12, bạn bè và người thân các hành khách cũng đã đến nơi này chờ đợi tin tức.
Thời tiết xấu
Vụ mất tích của chuyến bay QZ8501 khiến không ít người lo ngại nó sẽ có số phận tương tự MH370. Tuy nhiên, ông William Waldock - chuyên gia về hoạt động tìm kiếm và cứu hộ tai nạn máy bay, hiện giảng dạy tại Trường ĐH Embry-Riddle Aeronautical (Mỹ) - cho rằng cần thận trọng khi đưa ra so sánh về 2 vụ việc. Theo ông, nếu QZ8501 thật sự bị rơi thì khả năng tìm thấy đống đổ nát của nó là khá cao bởi vị trí biến mất của máy bay được biết rõ.
Vẫn còn quá sớm để nói về nguyên nhân vụ rơi máy bay, nếu có. Tuy nhiên, hãng tin AP đã chỉ ra thời tiết xấu có thể là một trong những yếu tố tác động đến sự an toàn của chuyến bay QZ8501. Chính ông Djoko Murjatmodjo, Cục trưởng Cục Vận tải Hàng không thuộc Bộ Giao thông Indonesia, cũng nhận định chiếc máy bay trong tình trạng tốt nhưng thời tiết thì không được như thế. Ông còn nhắc đến thông tin có bão đang hoành hành tại khu vực máy bay mất tích.H.Phương
Năm thảm họa của hàng không Malaysia
AirAsia là hãng hàng không giá rẻ do tỉ phú Tony Fernandes thành lập năm 2002 tại Malaysia với AirAsia Indonesia là một trong những công ty con. Thương hiệu hàng không này chưa từng gặp sự cố hoặc tai nạn lớn nào trước khi xảy ra vụ mất tích của chuyến bay QZ8501.
Với vụ việc vừa xảy ra, ngành hàng không Malaysia đã khép lại năm 2014 theo cách không thể tồi tệ hơn. Trước đó, hãng hàng không Malaysia Airlines đã mất 2 máy bay Boeing 777 chỉ trong vòng hơn 4 tháng.
Chuyến bay MH370 chở 239 người đã mất tích hôm 8-3 khi đi từ Kuala Lumpur - Malaysia đến Bắc Kinh - Trung Quốc. Chính phủ Malaysia sau đó tuyên bố MH370 rơi xuống Ấn Độ Dương và không ai sống sót. Tuy nhiên, tung tích chiếc máy bay vẫn chưa được tìm thấy bất chấp một chiến dịch tìm kiếm đắt đỏ đã và đang được tiến hành.
Đến ngày 17-7, chuyến bay MH17 bị bắn hạ trên bầu trời Ukraine khiến toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng. Thủ phạm gây ra thảm kịch này vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Trong động thái bày tỏ sự đoàn kết, Malaysia Airlines đã gửi lời động viên đến AirAsia thông qua mạng xã hội Twitter hôm 28-12.
P.Võ
Bình luận (0)