xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

AK-47, 60 năm tung hoành

TRỌNG NGHĨA

Ngày 6-7-2007, nhà bảo tàng quân đội Nga ở Moscow đã tổ chức trọng thể lễ sinh nhật lần thứ 60 của khẩu súng trường AK-47. Trong 60 năm qua, khoảng 100 triệu khẩu súng lừng danh này đã được sản xuất hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Thế nhưng, cha đẻ của nó là tiến sĩ khoa học kỹ thuật Mikhail Kalashnikov, năm nay 87 tuổi, không được hưởng một đồng nào. Ông đã hiến tác quyền cho nhà nước Liên Xô và hiện nay sống thanh đạm nhờ đồng lương hưu khiêm tốn

Có mặt tại buổi lễ, ông Kalashnikov không giấu được sự xúc động và lòng tự hào. Cầm trong tay khẩu AK-47 (từ viết tắt của Automat Kalashnikova model 1947, tức súng tự động Kalashnikov kiểu 1947) đầu tiên xuất xưởng năm 1947, ông nói: “Đây là đứa con đầu lòng, tôi rất yêu nó. Nhưng tôi cũng yêu tất cả những đứa khác (phiên bản) như một người mẹ yêu đồng đều những đứa con của mình”.

Đây không phải là lần đầu tiên cha đẻ khẩu AK-47 nói về đứa con tinh thần của mình như một người mẹ từng mang nặng đẻ đau. Cách đây 4 năm, phát biểu trên nhật báo Anh The Guardian, ông nói: “Thiết kế vũ khí không khác gì một người mẹ mang thai. Hết tháng này sang tháng khác, người mẹ luôn luôn nghĩ về đứa con mình sắp sinh ra. Nhà thiết kế cũng giống như thế khi thiết kế bản vẽ đầu tiên. Tôi cảm thấy như một người mẹ, luôn luôn tự hào về những đứa con mình. Đó là một tình cảm đặc biệt, giống như bạn được thưởng một món quà đặc biệt”.

Từ nông dân lên tướng

Mikhail Timofeyevich Kalashnikov sinh ngày 10-11-1919 tại làng Kurya, Tây Siberia, trong một gia đình nông dân. Học hết lớp 9, ông bắt đầu học nghề cơ khí tại nhà ga xe lửa Matai. Năm 1938, ông đầu quân vào Hồng quân Liên Xô, học trường cơ khí xe tăng Kiev.

Năm 1941, ông tham gia trận đánh tăng với phát xít Đức ở Bryansk với tư cách là chỉ huy tăng và bị thương. Trên giường bệnh, ông dùng tập học sinh phác thảo khẩu súng trường mà sau này trở thành một huyền thoại. Nhưng lúc đó, chưa ai để ý đến nó. Ra viện, Kalashnikov được Học viện Hàng không Moscow thu nhận. Lúc này, học viện đã dời trụ sở về thành phố Alma-Ata, Cộng hòa Kazakhstan.

Tại đây, năm 1942, ông thiết kế mẫu Kalashnikov thứ hai được A.A. Blagonravov – một nhà khoa học lỗi lạc về vũ khí – chú ý. Chính nhà khoa học này đã hướng dẫn nhà thiết kế súng tự học Kalashnikov chế tạo mẫu súng máy mới vào năm 1946. Mẫu này đã đoạt giải nhất trong một cuộc thi rất khó. Năm 1947, ông hoàn thiện bản vẽ khẩu AK. Những khẩu súng AK đầu tiên đã được thử nghiệm trong một khu rừng ngoại ô Moscow và thành công vượt cả sức mong đợi. Chỉ hai năm sau, Hồng quân Liên Xô chọn khẩu AK-47 là vũ khí chuẩn của bộ binh. Ông được trao giải thưởng Stalin hạng nhất.

img
Một chiến sĩ cách mạng ở châu Phi

Sau thế chiến thứ hai, Kalashnikov trở thành tổng công trình sư vũ khí nhẹ của Hồng quân. Những cộng sự của ông gồm có hai kỹ sư Đức Hugo Schmeisser và Werner Gruner (cha đẻ khẩu MG 42 nổi tiếng). Sau đó ông cải tiến khẩu AK-47 thành khẩu RPK (Ruchnoi Pulemyot Kalashnikova, tức tiểu liên Kalashnikov) và khẩu PK (Pulemyot Kalashnikova, tức súng máy Kalashnikov).

Kể từ năm 1949, ông sống và làm việc tại Izhevsk, nước Cộng hòa Udmurtia thuộc Liên bang Nga. Ông được trao tặng hầu hết những huân chương cao quý nhất của Liên Xô và được vinh danh Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa hai lần (1958 và 1976). Năm 1971 ông được trao học vị tiến sĩ khoa học kỹ thuật. Sinh nhật lần thứ 75 ông được thăng chức thiếu tướng.

Ông Kalashnikov không chỉ biết làm súng. Năm 2004, ông bắt đầu kinh doanh thương hiệu rượu Vodka Kalashnikov. Phát biểu trên đài BBC, ông tâm sự: “Tôi luôn luôn muốn cải thiện và bành trướng danh tiếng của vũ khí tôi chế tạo ra bằng những thứ tốt lành”. Ông tỏ ý lấy làm tiếc với sự kiện bọn khủng bố trang bị vũ khí mang tên ông để gây tội ác.

Tôi vẫn ngủ yên

Trong buổi nói chuyện với các cơ quan truyền thông Nga nhân ngày khẩu AK-47 chinh chiến tròn 60 năm, ông Kalashnikov kể lại: “Có một vài người hỏi tôi ban đêm có ngủ ngon giấc không bởi có quá nhiều người chết vì khẩu súng mang tên tôi? Tôi đã trả lời rằng tôi vẫn ngủ ngon. Nếu có trách thì trách các nhà chính trị. Thay vì thương thảo, họ dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề của họ. Tôi đã chế tạo khẩu súng này vào thời điểm bùng nổ thế chiến thứ hai. Chúng tôi đã đánh bại kẻ thù mạnh nhất là bọn phát xít Đức. Tôi đã chế tạo khẩu súng này để bảo vệ biên cương đất nước chúng tôi”.

Vũ khí chỉ là một công cụ. Nó chỉ thể hiện cái ác trong tay kẻ ác. Còn trong tay các chiến sĩ bảo vệ tổ quốc, nó làm nên những chuyện thần kỳ. Cũng tại buổi lễ nói trên, nhật báo The New York Times trích phát biểu của tùy viên quân sự Việt Nam, thượng tá Tô Xuân Huệ: “Nhân danh các đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ để giải phóng đất nước, chúng tôi xin cám ơn ông đã phát minh ra vũ khí này (AK-47)”.

Cũng nhân dịp này, Tổng thống Vladimir Putin đã viết trong một sắc lệnh khen thưởng ông Kalashnikov: “Khẩu súng trường Kalashnikov danh tiếng đã trở thành không chỉ một ví dụ về tinh thần dám nghĩ dám làm mà cũng là một biểu tượng về tài năng và thiên tài sáng tạo của nhân dân ta”.

Hiện nay khẩu AK-47 đã vượt qua khái niệm vũ khí thông thường để trở thành một biểu tượng của cách mạng. Hình ảnh của nó thể hiện trên 55 quốc huy của các nước. Nó còn ngự trên quốc kỳ của nước Mozambique, cờ của phong trào Hizbollah và trong logo của đạo quân vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.

Khẩu AK-47 không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với bạo lực, chết chóc. Năm 2006, nhạc sĩ kiêm nhà hoạt động hòa bình Colombia César López đã chế tác khẩu AK-47 thành một cây đàn ghi-ta mang tên Escopetarra. Một chiếc đàn đã bán đấu giá được 17.000 USD để sung vào quỹ cứu trợ những nạn nhân của mìn cá nhân. Một chiếc Escopetarra khác cũng đã được trưng bày tại hội nghị giải trừ quân bị của Liên Hiệp Quốc.

 

Giả và thiệt

Khẩu AK-47 được ưa chuộng khắp thế giới vì nó đơn giản, dễ dùng, dễ bảo trì, rẻ tiền (chỉ 30 USD ở nhiều nước châu Phi). Một ưu điểm nổi trội khác là dễ sản xuất với chi phí thấp. Ngay một xưởng vũ khí ở làng mạc xa xôi của Pakistan cũng có thể chế tạo ra nó để tự dùng. Ưu điểm này đồng thời cũng là một nhược điểm: Có quá nhiều hàng nhái và hàng giả sản xuất bất hợp pháp.

Bởi rất phổ biến trên thế giới - nhiều gấp 10 lần so với khẩu M16 của Mỹ – AK-47 trở thành một vấn nạn được đặt ra cấp bách tại hội nghị xem xét vũ khí nhẹ của Liên Hiệp Quốc tổ chức tháng 6 năm ngoái. Chiến dịch kiểm soát vũ khí đã công bố một bản báo cáo tại hội nghị cho biết trên thế giới hiện nay có khoảng 100 triệu khẩu AK-47 và 10 phiên bản AK-47. Đây là loại súng ít được quản lý nhất.

Theo Xí nghiệp Máy công cụ Izhevsk (IZH), nơi giữ bản quyền sản xuất AK-47 từ năm 1999, hiện có gần 1 triệu khẩu AK-47 được sản xuất lậu (không có phép của IZH) mỗi năm. Sự việc này làm ông Kalashnikov rất phiền lòng. Ông nói tại hội nghị trên: “Khi tôi xem tivi thấy bọn cướp có trong tay khẩu AK-47 sản xuất lậu, tôi tự hỏi: Chúng lấy từ đâu ra thứ hàng nhái đó?”. Ông than phiền “quốc tế đã buông lỏng quản lý vũ khí nhẹ” cho nên “chúng rơi vào tay bọn xâm lược, khủng bố và đủ thứ bọn tội phạm”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo