Đến với hòn đảo san hô nhỏ bé Pingelap trên biển Thái Bình Dương, nữ nhiếp ảnh gia Sanne De Wilde đã ghi lại hình ảnh một thế giới với màu sắc vô cùng khác thường: những cánh rừng có màu hồng nhạt hơi tái thay vì màu xanh lá, nước biển màu xám thay vì màu lam và những người dân địa phương chỉ có màu trắng đen.
Hòn đảo san hô Pingelap nhỏ bé giữa Thái Bình Dương, nơi được mệnh danh là "hòn đảo mù màu" được chụp theo cách nhiếp ảnh gia De Wilde tưởng tượng qua đôi mắt của người mù màu. Ảnh: Sanne De Wilde
Nhưng Sanne De Wilde ghi lại những hình ảnh này không phải qua góc nhìn của cô mà là theo cách cô tưởng tượng qua đôi mắt của những cư dân địa phương trên hòn đảo đặc biệt này.
Được đặc biệt danh là "hòn đảo mù màu", Pingelap có lẽ là nơi có tỉ lệ dân cư mắc bệnh mù màu cao nhất thế giới. Bệnh achromatopsia (mù màu hoàn toàn) vốn là chứng bệnh ít gặp với tỷ lệ mắc bệnh trên thế giới trung bình 1/30.000. Nhưng riêng trên hòn đảo này thì tỷ lệ cư dân mắc bệnh chiếm 4%-10%.
Chứng bệnh này được cho là bắt nguồn từ một vị vua thời xưa của hòn đảo. Sau một thảm họa sóng thần càn quét vào thế kỷ thứ 18, vị vua này là một trong 20 người còn sống sót trên đảo và sau đó ông được cho là đã sinh rất nhiều con cháu để xây dựng lại hòn đảo. Nhưng không may là rất nhiều hậu duệ của ông lại thừa hưởng cả gen mang bệnh achromatopsia hiếm gặp và chứng bệnh này đã tiếp tục di truyền qua nhiều thế hệ cư dân trên đảo đến tận ngày nay.
Trong sách ảnh của mình, De Wilde viết rằng màu đỏ là màu mà người dân trên đảo nói rằng họ "thấy" nhiều nhất. Vì vậy mà nhiều bức ảnh đã được nữ nhiếp ảnh gia chụp bằng máy ảnh hồng ngoại để làm nổi bật sắc đỏ. Ảnh: Sanne De Wilde
Qua bộ sưu tập ảnh "hòn đảo mù màu", nhiếp ảnh gia De Wilde đã cảm nhận và ghi lại những sắc thái của hình ảnh qua đôi mắt những người mù màu. Trong một thế giới chỉ có trắng và đen, "màu sắc" chẳng qua chỉ là 1 từ vựng mà họ thật sự không thể nhìn thấy được.
Những cư dân trên đảo nói với De Wilde rằng "xanh lá" là màu ưa thích nhất của họ dù rằng trên thực tế đây là màu mà khả năng nhận biết và phản ứng của họ kém nhất. De Wilde tin rằng đây chính là cách người dân đảo Pingelap bày tỏ sự yêu mến của họ với những cánh rằng và thảm thực vật xung quanh họ.
De Wilde kể: "Tôi chụp tấm ảnh này khi cậu bé đang từ trên cây leo xuống. Ánh Mặt Trời chói chang trên cao khiến cậu bé phải nhắm chặt mắt lại". Ảnh: Sanne De Wilde
Một cậu bé bị mù màu tên Jaynard đang chơi trong vườn. Ảnh: Sanne De Wilde
Bức ảnh này chụp một đứa trẻ đang chơi đùa với một cành cây đã nhóm lửa. "Trên đảo này, họ luôn đốt hết rác. Đồng thời họ cầm cành cây còn đang cháy huơ xung quanh để xua đuổi muỗi"- De Wilde giải thích. Ảnh: Sannde De Wilde
Khi đặt chân đến Pingelap, De Wilde chỉ thấy có 1 con đường và hầu như không có cửa hàng hay nhà hàng nào. Cư dân trên đảo sống bằng những quả dừa và những con cá họ đánh bắt được- một cuộc sống mà theo De Wilde là "hết sức cơ bản".
"Những người bị mù màu hoàn toàn rất nhạy cảm với ánh sáng nên việc sống trên một hòn đảo đầy ánh nắng thế này là gánh nặng với họ. Giữa ánh sáng ban ngày, thế giới đối với họ nhìn giống như một tấm ảnh bị cháy. Họ gần như không thể mở mắt nổi khi ra ngoài trời"- De Wilde chia sẻ.
Nữ nhiếp ảnh gia giải thích thêm: "Họ không thể nhìn và phân biệt được màu sắc. Đó là lý do tại sao mọi thứ đều trông như có ánh màu xám, một gam màu trung gian giữa trắng và đen. Tôi hoàn toàn không chỉnh màu gì cả. Chính máy ảnh hồng ngoại của tôi cho màu sắc như thế. Với những bức ảnh khác thì tôi chỉ dùng Photoshop để chuyển thành màu trắng đen".
Phản ứng của một người đàn ông mù màu trên đảo Pingelap do quá nhạy cảm với ánh sáng. Ảnh: Sanne De Wilde
Bị mù màu không đơn giản chỉ là không thấy được và phân biệt được màu sắc. Người mắc bệnh cũng hết sức nhạy cảm với ánh sáng. Ảnh: Sanne De Wilde.
Cậu bé Jaynard nhìn chăm chú một bóng đèn disco (đèn dùng cho sân khấu, vũ trường) đủ màu sắc mà Sanne De Wilde mang đến từ Bỉ. Khi De Wilde hỏi Jaynard nhìn thấy gì, cậu bé trả lời là "màu sắc". Ảnh: Sanne De Wilde
Không chỉ chụp ảnh hồng ngoại và đen trắng, De Wilde còn nhờ những người mẫu ảnh tô màu một số bức ảnh dù rằng họ không nhận biết được mình đang dùng màu gì. Vì vậy mà hình ảnh chú vẹt đủ màu sắc với con mắt khép hờ này đã trở thành hình ảnh biểu tượng khởi nguồn cho dự án này của De Wilde. Ảnh: Sanne De Wilde
Bình luận (0)