Ngày 13-5, các nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu mở cuộc điều tra hình sự xem ai đã “nhanh nhảu đoản” tiết lộ quá sớm chuyện tình báo CIA, Anh và Ả Rập Saudi phối hợp cài nội gián vào tổ chức Al-Qaeda ở vùng Vịnh (AQAP), phá vỡ một âm mưu làm nổ tung máy bay Mỹ bằng “bom quần lót” thế hệ mới và giúp CIA tiêu diệt được Fahd al-Quso, thủ lĩnh AQAP bằng máy bay không người lái hôm 6-5.
Hại đủ điều
Theo các nhà lập pháp Mỹ, vụ hé lộ bí mật tình báo này đã làm tổn hại nghiêm trọng uy tín của tình báo Mỹ nói riêng và của Chính phủ Mỹ nói chung. Từ nay, các nước muốn chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ sẽ rất e dè bởi sợ người Mỹ không biết giữ mồm giữ miệng.
AP là cơ quan truyền thông đầu tiên đưa ra thông tin giật gân nói trên đêm 7-5. Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein và hạ nghị sĩ Mike Rogers, một mặt ca tụng chiến công của CIA, mặt khác tỏ vẻ bất bình vì chi tiết vụ việc được phổ biến rộng rãi trong khi họ, những người đáng lẽ được ưu tiên nghe báo cáo trước và đầy đủ nhất, lại chưa biết gì.
MI6 cấp hộ chiếu Anh cho tay nội gián Ả Rập Saudi theo yêu cầu của CIA. Ảnh: Getty Images
Bà Feinstein, Chủ nhiệm Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, phát biểu trên đài truyền hình Fox News chủ nhật vừa qua: “Vụ rò rỉ thông tin này rất tai hại cho phương pháp và nguồn lực (tình báo). Theo tôi, cần khởi tố vụ án ngay”. Mike Rogers, Chủ nhiệm Ủy ban Tình báo Hạ viện, tuyên bố trên đài CNN: “Nếu có chuyện gì xảy ra do tiết lộ quá sớm thì không chỉ là một thảm họa mà còn là một tội ác”.
Giới tình báo và Chính phủ Anh rất lúng túng với chi tiết cấp hộ chiếu cho tay nội gián dẫn tới cái chết của thủ lĩnh AQAP, theo tường thuật của báo chí Mỹ. Không giống như CIA, nhân viên MI5 (tình báo nội địa) và MI6 (tình báo hải ngoại) của Anh không được phép thực hiện những vụ ám sát ở nước ngoài.
Nhật báo Anh The Guardian dẫn lời Mike Scheur, cựu thủ trưởng đơn vị tìm diệt Bin Laden của CIA, nhận xét việc tiết lộ sự can dự của cơ quan tình báo Anh trong vụ này (cấp hộ chiếu) là “ti tiện”. Ông nói: “MI6 sẽ nổi điên lên. Thủ tướng Anh chắc chắn sẽ đặt vấn đề với tổng thống Mỹ nếu có dịp. Câu chuyện này thật sự bi đát”.
Ông Scheur lưu ý rằng trong 10 ngày qua đã xảy ra một loạt sự kiện gây hiếu kỳ, bắt đầu từ thông tin CIA muốn mở rộng phạm vi hoạt động của máy bay không người lái ở Yemen, kế đến Tổng thống Barack Obama bất ngờ xuất hiện ở Afghanistan đúng vào ngày giỗ đầu (2-5) của Bin Laden. Cuối cùng là “vụ rò rỉ không thể giải thích được” về vụ phá vỡ âm mưu đánh “bom quần lót” máy bay Mỹ của AQAP.
Động cơ chính trị?
Thật ra, từ tháng 4 rồi, râm ran tin đồn AQAP đã lên kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công ngoạn mục nhắm vào Mỹ để báo thù cho Osama Bin Laden bị biệt kích Mỹ hạ sát ở Pakistan ngày 2-5-2011. Nhà Trắng và Bộ An ninh Nội địa Mỹ lập tức tuyên bố không có thông tin đáng tin nào cho thấy Al-Qaeda sẽ hành động.
Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein. Ảnh: AP
Thế nhưng, đùng một cái, hãng thông tấn AP tiết lộ thông tin phá vỡ âm mưu của AQAP. Hãng thông tấn này còn nói đã nắm được thông tin một tuần trước nhưng chưa vội loan tin theo yêu cầu của Nhà Trắng và CIA. Như vậy, có thể nói vụ rò rỉ này đã được cấp trên “bật đèn xanh” bất chấp nguyên tắc “công chúng biết càng ít hoạt động bí mật của CIA càng tốt”.
Từ đó, theo phe Cộng hòa, đằng sau tiết lộ giật gân nói trên có động cơ chính trị bởi điểm rơi trùng hợp với thời điểm vận động bầu cử của ông Obama. Tuy vậy, theo Linda Chavez, một cây bút bình luận chính trị ở Washington, cũng có thể có ai đó ngứa miệng “xì ra” mà không tính đến hậu quả sinh mạng những kẻ nội gián chưa bị lộ sẽ lâm nguy. Đồng thời, từ nay rất khó cài tay trong vào AQAP và các tổ chức khủng bố khác bởi chiến thuật và phương pháp của CIA đã bị “lộ tẩy”.
Khó tìm thấy thủ phạm
Chi tiết phong phú trong các bài báo Anh-Mỹ cho thấy mức độ rò rỉ nghiêm trọng thông tin mật của các cơ quan tình báo Mỹ, Anh và Ả Rập Saudi. Ban đầu, chiến dịch xâm nhập AQAP là sáng kiến của cơ quan an ninh Ả Rập Saudi. Sau đó, họ hợp tác với CIA và chiến dịch được tiến hành theo kịch bản của CIA.
Vấn đề là liệu cuộc điều tra có kết quả hay không? James Clapper, “sếp” của 16 cơ quan tình báo Mỹ, cho biết đã mở cuộc điều tra xem “việc rò rỉ có để lộ bí mật quốc gia hay không”. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng không mấy hy vọng tìm ra thủ phạm bởi vì trước đây, hồi thời tổng thống George W. Bush cũng có trường hợp tương tự.
Đó là vụ tiết lộ trái phép thân phận điệp viên CIA của bà Valerie Plame, vợ cựu đại sứ Mỹ Joe Wilson, trên tờ Washington Post, với mục đích hãm hại vợ chồng ông Wilson dám chỉ trích chính sách ông Bush ở châu Phi. Thủ phạm bị kết án 30 tháng tù là quan chức Nhà Trắng “Scooter” Libby. Ông này được tổng thống Bush giảm án sau đó vì thật ra nguồn rò rỉ thông tin là Richard Armitage, cựu thứ trưởng ngoại giao. Ông này bình an vô sự vì đã có người “thế mạng”.
Bình luận (0)