Thỏa thuận được ký kết khi Tổng thống Vladimir Putin đến New Delhi hội đàm với Thủ tướng Narendra Modi. Theo kế hoạch, 5 khẩu đội S-400 bắt đầu được chuyển giao vào tháng 10-2020.
Với bước đi trên, Ấn Độ đã gạt sang một bên mối đe dọa trừng phạt của Mỹ, quốc gia lâu nay vẫn cố ngăn các nước khác mua S-400 Triumf.
Báo Economic Times nhận định S-400 đã trở thành nguyên nhân gây bất hòa giữa Ấn Độ và Mỹ, nhất là sau khi Washington thực thi Đạo luật Chống kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) hôm 2-8-2017. CAATSA trừng phạt bất kỳ bên thứ 3 nào có giao dịch với các công ty Nga đang bị Washington trừng phạt nên hành động mua vũ khí Nga của Ấn Độ không khác gì mời gọi Mỹ trừng phạt.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở New Delhi hôm 5-10 Ảnh: REUTERS
Dù vậy, theo kênh Sputnik, Ấn Độ từng tuyên bố lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không cản trở nước này tiến hành các thương vụ quan trọng với Nga. Hôm 13-7 qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman mô tả CAATSA là một đạo luật Mỹ, không phải của Liên Hiệp Quốc, đồng thời khẳng định Ấn Độ vẫn tiếp tục theo đuổi hợp đồng mua S-400 Triumph.
Mặt khác, New Delhi tỏ ra lạc quan thận trọng rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ không áp dụng CAATSA với nước này dựa trên cơ sở cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton của Mỹ hôm 14-9 tại Washington. Ông Doval đã nêu bật sự cần thiết Ấn Độ phải có hệ thống tên lửa S-400, cũng như lập luận quyết định này đã được đưa ra từ lâu trước khi CAATSA có hiệu lực.
Đài CNN nhận định động thái trên của Ấn Độ đã đẩy Mỹ vào cơn đau đầu không nhỏ. Tháng trước, Mỹ đã trừng phạt Trung Quốc vì mua trang thiết bị quân sự của Nga, trong đó có S-400. Dù vậy, Bắc Kinh là đối thủ của Washington tại khu vực, còn Ấn Độ lại đang được xem là đồng minh chiến lược quan trọng của Mỹ. Nếu trừng phạt Ấn Độ, Mỹ có nguy cơ làm xấu đi quan hệ song phương này và buộc New Delhi tăng cường hợp tác với Bắc Kinh, Moscow hơn.
Đây là kịch bản giới chức quốc phòng Mỹ không muốn thấy bởi họ đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác với Ấn Độ trong bối cảnh 2 bên có những mối quan tâm chung về sự mở rộng quân sự của Trung Quốc tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 4-10 nhấn mạnh chính quyền ông Trump đang xây dựng các mối quan hệ mới, mạnh mẽ hơn với các nước, trong đó có Ấn Độ, để thúc đẩy tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở.
Ngược lại, việc "tha" Ấn Độ có thể làm giảm bớt sự răn đe của CAATSA và dẫn đến cáo buộc Mỹ thiên vị. Trước khi ông Putin đến Ấn Độ hôm 4-10, Bộ Ngoại giao Mỹ thúc giục mọi đồng minh và đối tác từ bỏ giao dịch với Nga nếu không muốn bị trừng phạt.
Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng nếu cho phép Ấn Độ mua S-400, không có lý do gì để Mỹ ngăn những nước khác, như Thổ Nhĩ Kỳ, làm điều tương tự. Trong lúc bài toán Ấn Độ chưa rõ lời giải, CAATSA đã khiến việc cung cấp 11 máy bay Su-35 cho Jakarta theo hợp đồng giữa Nga và Indonesia bị hoãn, theo hãng tin RIA Novosti hôm 5-10.
Bình luận (0)