Trợ lý về chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, ông Yury Ushakov, đã xác nhận như trên, đồng thời cho biết nhà lãnh đạo Nga lên đường đi Ấn Độ hôm 4-10.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 dự kiến sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của Ấn Độ dọc theo biên giới nước này với Pakistan và Trung Quốc.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 của Nga. Ảnh: REUTERS
Hồi tháng 7 năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman khẳng định thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf sẽ tiếp tục được xúc tiến, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các giao dịch về quân sự với Moscow.
Đề cập đến đạo luật "Chống lại các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt" (CAATSA) nhằm áp đặt lệnh trừng phạt lên các hợp đồng quân sự với Nga, bà Sitharaman tuyên bố đó là luật của Mỹ, không phải của Liên Hiệp Quốc và Ấn Độ đã truyền đạt lập trường của mình cho Mỹ về vấn đề này.
Tuy nhiên, Washington đã không cho thấy tín hiệu nào tán thành hợp đồng trên.
S-400 được biết đến là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa tiên tiến nhất của Nga. Ảnh: ONE INDIA
Là phiên bản nâng cấp của hệ thống S-300, S-400 được biết đến là hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa tiên tiến nhất của Nga. Trung Quốc là khách hàng đầu tiên ký hợp đồng mua hệ thống này với Nga năm 2014 và Nga đã bắt đầu chuyển giao hệ thống S-400 cho Bắc Kinh, số lượng không được tiết lộ.
Ngoài ra, trong dịp này, Tổng thống Putin và Thủ tướng Modi nhiều khả năng cũng bàn bạc hợp đồng mua bán 4 tàu khu trục lớp Krivak trị giá 2 tỉ USD và 200 trực thăng Ka-226 trị giá 1 tỉ USD.
Trước đó, Ấn Độ và Nga đã ký thỏa thuận liên chính phủ về một số trực thăng khác, 60 chiếc sản xuất tại Nga và số còn lại ở Ấn Độ.
Cho đến nay, Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí số 1 cho Ấn Độ. Mỹ đứng thứ hai, cung cấp cho quân đội Ấn Độ các loại vũ khí tối tân như trực thăng tấn công Apache và dang thương lượng thương vụ máy bay không người lái vũ trang.
Bình luận (0)