Hàng chục chiếc xe tiến vào vùng Đông Bắc Ấn Độ trong tuần này trở thành biểu tượng của mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa người khổng lồ Nam Á và các nước Đông Nam Á.
Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid nói với hãng tin Reuters rằng cuộc gặp ở New Delhi chủ yếu là công việc nghi thức để đánh dấu 20 năm hợp tác nhưng nó được tổ chức nhằm tạo sức đề kháng trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng ở biển Đông - khu vực được cho là giàu tiềm năng dầu khí. Một số nước ASEAN phản bác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở các vùng biển và những tranh cãi đã tạo ra điểm nóng tiềm tàng lớn nhất trong khu vực.
Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Phnom Penh (Campuchia) hồi tháng 11-2012. Ảnh: REUTERS
Mỹ kêu gọi bình tĩnh nhưng một số nước ASEAN đang hướng tầm nhìn về Ấn Độ, một nước có tầm ảnh hưởng lớn khác trong khu vực. “Họ muốn Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn. Những mối quan tâm đó đang tăng lên dựa trên tình hình bất ổn ngày càng rõ nét” - Raja Mohan, một chuyên gia về những vấn đề chiến lược của nhóm tư vấn thuộc tổ chức Observer Research Foundation, nhận định.
Đối với Ấn Độ, những quan hệ được cải thiện với Đông Nam Á sẽ tạo điều kiện cho nước này bước vào một trong những khu vực kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và tiếp cận một nguồn tài nguyên cần cho sự phát triển của riêng mình. Nhưng trong điều kiện những con đường nối Ấn Độ với các nước ASEAN bị hư hỏng nhiều, lại thiếu hụt các chuyến bay trực tiếp..., Ấn Độ đã bị Trung Quốc bỏ lại phía sau trong quá trình thiết lập quan hệ với khu vực.
Quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và khối ASEAN 10 thành viên đã đạt 80 tỉ USD hồi năm ngoái so với 47 tỉ USD trong năm 2008. Một hiệp định về tự do mậu dịch trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư có thể được ký tại cuộc gặp ở New Delhi. Các chuyến bay trực tiếp từ New Delhi đến Myanmar thuộc hãng hàng không SpiceJet của Ấn Độ dự kiến sẽ bắt đầu trong vài tuần tới.
Cuộc gặp đầu tiên của các nhà lãnh đạo ASEAN ở Ấn Độ là một bước ngoặt trong nỗ lực của New Delhi xây dựng quan hệ với Đông Nam Á. Có vẻ như để tránh sự “dòm ngó” của Bắc Kinh, ông Khurshid đã giảm nhẹ khả năng có bất cứ căng thẳng nào với Trung Quốc, nhắc lại rằng Ấn Độ không có yêu sách chủ quyền ở biển Đông.
Ấn Độ đang có những bước đi tinh tế để phục vụ chính sách “Hướng Đông” của mình.
Bình luận (0)