Hồi tuần trước, chính quyền Ấn Độ tuyên bố tình trạng báo động sức khỏe ở TP Delhi do mức độ ô nhiễm không khí rất tệ, dẫn đến việc đóng cửa các trường học và hạn chế số lượng xe hơi chạy trên đường.
Trong lễ hội Chhath Puja của Ấn Độ giáo, hàng ngàn người đã đứng trên bãi bọt khí độc hại và cầu nguyện.
Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm cũng tác động đến con sông Yamuna, nơi cung cấp nước uống cho gần 20 triệu dân của thành phố. Con sông này bị ngập trong những bọt khí độc hại, nguyên nhân một phần là do mức ammonia tăng cao từ chất gây ô nhiễm công nghiệp.
Người dân Ấn Độ giáo thực hiện nghi thức trên sông Yamuna bị phủ đầy bọt khí hóa học. Ảnh: AP
Chính quyền Ấn Độ đã tuyên bố tình trạng báo động sức khỏe hồi tuần trước, nhiều trường học phải đóng cửa do tình trạng ô nhiễm không khí rất tệ. Ảnh: EPA
Một cặp đôi đang cầu nguyện giữa đám bọt khí trắng xóa phủ trên mặt sông Yamuna. Ảnh: Reuters.
Trong lễ hội Chhath Puja của Ấn Độ giáo, hàng ngàn người đã đứng trên bãi bọt khí độc hại và cầu nguyện. Mặc dù hình ảnh này gây sửng sốt nhưng TP Delhi thậm chí không nằm trong top 10 thành phố ô nhiễm nhất ở Ấn Độ mà chỉ xếp ở hạng 14.
Anh Hari Lal, một cư dân TP New Delhi, người đã có mặt trên bờ sông hôm 6-11 nói: "Nước hoàn toàn có màu đen, nước này toàn là hóa chất". Trong khi đó, anh Kujan Sahani, một công nhân đến từ phía Đông bang Bihar than phiền rằng mũi và mắt của anh đã bị bỏng và cảm thấy khó thở.
Những người phụ nữ lội trên dòng sông ô nhiễm trong lễ hội Chatth Puja ở TP New Delhi - Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Nước sông Yamuna được sử dụng để cung cấp nước uống cho gần 20 triệu dân. Ảnh: AP
Một số người tạo dáng chụp ảnh khi đứng giữa bọt khí bao trùm trên sông Yamuna ở Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Các nhà hoạt động môi trường cho biết nhiều con sông trên khắp Ấn Độ trở nên bẩn hơn vì sự phát triển kinh tế của quốc gia này. Bên cạnh chất thải của thành phố, thuốc trừ sâu và nước thải công nghiệp chảy vào dòng sông mặc dù đã có luật chống tình trạng gây ô nhiễm.
Hiện tượng này xuất hiện khi tình trạng ô nhiễm không khí ở TP New Delhi và các khu vực lân cận xuống mức tệ nhất vào ngày 3 và 4-11.
Ban hội thẩm do Tòa án Tối cao Ấn Độ bổ nhiệm đã tạm thời cấm hoạt động xây dựng trong khu vực New Delhi để kiểm soát khói bụi không khí.
Bọt khí độc hại xuất hiện là do mức ammonia tăng cao xuất phát từ chất ô nhiễm công nghiệp. Ảnh: Reuters
Chính quyền cũng cấm các xe tải chở hàng thải khói đi vào thành phố, tiến hành thử nghiệm hạn chế số lượng xe chạy trên đường và ngăn chặn việc đốt rác, rơm rạ cũng như yêu cầu các nhà thầu che đậy lại các công trình xây dựng để dừng khói bụi bao vây khu vực
Cơ quan môi trường của Chính phủ cho rằng gần 50% ô nhiễm tại TP Delhi là do đốt rơm rạ nhưng hàng ngàn nông dân đã phớt lờ lệnh cấm, họ tiếp tục đốt rơm rạ vì không có biện pháp thay thế an toàn và rẻ tiền hơn
Delhi kẹt trong khói, bộ trưởng Y tế Ấn Độ khuyên... ăn cà rốt
Trong lúc tình trạng ô nhiễm ở Delhi lên đến đỉnh điểm, người dân trên khắp thành phố phải vật vã hít thở, hai bộ trưởng Ấn Độ đã gây ra làn sóng chỉ trích dữ dội vì những bài đăng trên mạng xã hội Twitter.
Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi gia đình kiêm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Khoa học trái đất, tiến sĩ Harsh Vardhan viết rằng: "Ăn cà rốt sẽ giúp cơ thể có thêm vitamin A, kali và chất chống oxi hóa, giúp bạn không bị quáng gà vào ban đêm cũng giúp chống lại những chất ô nhiễm khác có hại cho sức khỏe".
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Môi trường, rừng và biến đổi khí hậu kiêm Bộ trưởng Thông tin và Phát thanh đã đăng tải lời động viên người dân: "Hãy bắt đầu ngày mới bằng âm nhạc".
Các bộ trưởng đã bị người dùng mạng xã hội Twitter thẳng thắn mỉa mai, họ đùa rằng kế hoạch của chính phủ là để người dân đeo mặt nạ cà rốt khổng lồ.
Trong khi đó, một số người người khác có phản ứng nghiêm trọng hơn. Người dân TP Delhi thúc ép chính phủ phải hành động, họ bày tỏ trên Twitter kèm từ khóa như #EnoughIsEnough (tạm dịch: Quá đủ rồi!). Hôm 5-11, hàng ngàn người đã tựu họp về đài tưởng niệm India Gate để phản đối việc chính phủ không đưa ra hành động.
Bình luận (0)