Phát biểu sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock, ông Jaishankar cho rằng các nước châu Âu hành động "không phải" khi họ ưu tiên nhu cầu năng lượng của mình nhưng lại yêu cầu Ấn Độ làm "điều gì đó khác".
Ông Jaishankar có ý kiến trên giữa lúc phương Tây gây sức ép lên Moscow bằng biện pháp áp trần giá đối với dầu Nga. Mức giá trần 60 USD/thùng có hiệu lực từ ngày 5-12 nhằm hạn chế nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch của Nga, đồng thời tránh nguy cơ giá tăng mạnh nếu dầu Nga đột ngột "biến mất" khỏi thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, Nga cho rằng bước đi mới của phương Tây sẽ chỉ gây mất ổn định thị trường năng lượng thế giới và không thể ngăn nước này tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Một tàu chở dầu neo đậu tại cảng Kozmino ở Vịnh Nakhodka, gần TP Nakhodka - Nga hôm 4-12 Ảnh: REUTERS
Ông Jaishankar không bình luận trực tiếp về mức trần giá dầu nói trên nhưng chỉ ra thực tế rằng EU đang nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga còn nhiều hơn so với Ấn Độ. Theo đài CNBC, giới chức Ấn Độ cũng nhấn mạnh đến yếu tố giá dầu Nga thấp hơn sẽ có lợi cho quốc gia Nam Á này. Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022, Ấn Độ gia tăng mua dầu Nga và số lượng này đạt mức cao kỷ lục hồi tháng 10.
Ngay sau khi biện pháp áp trần giá đối với dầu Nga có hiệu lực, đã xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên cho thấy động thái này có thể làm gián đoạn dòng chảy dầu toàn cầu. Cụ thể, theo tờ Financial Times, tình trạng tắc nghẽn tàu chở dầu tại lãnh hải Thổ Nhĩ Kỳ đã được ghi nhận hôm 5-12 khi có đến 19 tàu chở dầu vẫn chờ giấy phép để đi vào các eo biển Bosporus và Dardanelles. Lý do dẫn đến vụ tắc nghẽn là Ankara yêu cầu bổ sung giấy tờ liên quan đến bảo hiểm sau khi biện pháp trên được thực thi.
Bình luận (0)