Ông Novak nói thêm Moscow đang "tìm kiếm các cơ chế" để vượt qua việc bị áp giá trần đối với dầu Nga.
Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp giá trần đối với dầu được vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng hoặc thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường.
Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Úc cũng đưa ra thông báo tương tự vào ngày 2-12, tuyên bố họ cũng sẽ từ chối giao dịch đối với dầu của Nga được bán trên 60 USD/thùng.
Tàu chở dầu Vladimir Arsenyev tại cảng dầu thô Kozmino-Nga. Ảnh: Reuters
Nga nhiều lần khẳng định sẽ không cung cấp dầu cho các quốc gia áp dụng mức giá trần này.
Phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-24 hôm 4-11, ông Novak nói: "Chúng tôi sẽ chỉ bán dầu và các sản phẩm từ dầu cho những quốc gia hợp tác với chúng tôi nhằm đáp ứng các điều kiện trên thị trường dù chúng tôi phải cắt giảm sản lượng".
Ông Novak cảnh báo việc áp đặt giá trần sẽ "làm mất ổn định" thị trường dầu toàn cầu và lập luận rằng điều đó mâu thuẫn với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo các chuyên gia, dù việc cắt giảm sản lượng sẽ làm giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga nhưng tác động của nó trong ngắn hạn có thể sẽ bị hạn chế do dầu của Nga hiện được giao dịch ở mức 64 USD/thùng, chỉ cao hơn 4 USD so với giá trần.
Áp trần giá dầu Nga: Phương Tây ra tay lúc này cũng như không?
Theo đài RT, những người chỉ trích quyết định áp giá trần cho rằng nếu Nga không bán dầu cho các quốc gia tham gia trừng phạt thì chính người tiêu dùng ở những nước này phải mua dầu với mức giá cao hơn.
Nga đưa ra tuyên bố nói trên sau khi lệnh áp giá trần lên dầu Nga vận chuyển bằng đường biển của G7 có hiệu lực từ ngày 5-12. Mức giá trần đối với dầu Nga sẽ được EU và G7 xem xét hai tháng một lần và lần xem xét đầu tiên diễn ra vào giữa tháng 1-2023.
Trong diễn biến liên quan, OPEC+ đồng ý giữ nguyên sản lượng dầu giữa bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và G7 áp trần giá dầu Nga. Hồi tháng 10, OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày (tương đương 2% lượng cầu thế giới), bắt đầu từ tháng 11 cho đến hết năm 2023.
Liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất bên ngoài, gọi là OPEC+, lập luận họ cắt giảm sản lượng vì triển vọng kinh tế suy giảm hơn nữa. Giá dầu đã giảm kể từ tháng 10 do tăng trưởng kinh tế chậm ở Trung Quốc và toàn cầu cũng như lãi suất tăng cao hơn.
Dự kiến ủy ban giám sát của nhóm OPEC+ sẽ nhóm họp lần tiếp theo vào ngày 1-2-2023 và họp chính thức vào ngày 3 và 4-6-2023.
Bình luận (0)