Chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2019 ghi nhận mức gia tăng lớn nhất trong một thập kỷ, theo báo cáo mới của Viện Nghiên cứu quốc tế hòa bình Stockholm (SIPRI). Cụ thể, các nước trên thế giới đã chi tổng cộng 1.917 tỉ USD cho quân đội, tăng 3,6% so với năm 2018. Mỹ tiếp tục đứng đầu danh sách với mức chi 732 tỉ USD, tăng 5,3%.
Đáng chú ý, báo cáo của SIPRI lần đầu tiên ghi nhận hai nước châu Á nằm trong nhóm 3 nước có chi tiêu quân sự lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ với số tiền lần lượt là 261 tỉ USD (tăng 5,1%) và 71,1 tỉ USD (tăng 6,8 %). Nhà nghiên cứu Siemon Wezeman của SIPRI cho rằng căng thẳng và đối đầu giữa Ấn Độ với Trung Quốc là một trong những yếu tố thúc đẩy New Delhi gia tăng chi tiêu quân sự.
Một nhóm tàu hải quân các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Philippines tại biển Đông vào tháng 5-2019 Ảnh: Hải quân Mỹ
Ấn Độ giờ đây càng có lý do để lo lắng Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương sau khi chứng kiến nước này lợi dụng đại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) để leo thang hành động khiêu khích ở biển Đông. Trang The Times of India dẫn lời một số quan chức an ninh Ấn Độ giấu tên cho rằng đại dịch không ngăn Trung Quốc theo đuổi các mục tiêu chiến lược lâu dài ở khu vực.
Ông Abhijit Singh, chuyên gia của Quỹ Nghiên cứu nhà quan sát (Ấn Độ) đã chỉ ra một số lý do khiến tình hình biển Đông cũng ảnh hưởng đến Ấn Độ. Trước hết, lực lượng dân quân biển Trung Quốc đang nhằm vào một số nước có quan hệ chính trị và quân sự gần gũi với Ấn Độ. Ngoài ra, Trung Quốc đang tăng cường hoạt động tại phía Đông Ấn Độ Dương, nhất là sự hiện diện của tàu nghiên cứu và khảo sát nước này trong vùng đặc quyền kinh tế của Ấn Độ. Điều này cho thấy Bắc Kinh không chỉ có tham vọng độc chiếm biển Đông mà còn muốn mở rộng ảnh hưởng về kinh tế và chiến lược sang Ấn Độ Dương, đe dọa đến ảnh hưởng của Ấn Độ.
Trong khi đó, ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật biển ở Philippines hôm 27-4 chỉ trích Bắc Kinh đang lợi dụng việc cộng đồng quốc tế bận rộn ứng phó đại dịch Covid-19 để mở rộng kiểm soát biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc đang sử dụng việc hỗ trợ các nước khác trong cuộc chiến chống dịch bệnh để ngăn cản chỉ trích nhằm vào hành động sai trái của họ tại vùng biển này. Vì thế, theo ông Batongbacal, điều quan trọng là Philippines và các nước khác lên tiếng phản đối những gì Bắc Kinh đã làm ở biển Đông.
Tờ Irish Times hôm 26-4 nhận định mối lo ngại đang gia tăng khắp châu Á và ở Mỹ khi Trung Quốc thúc đẩy sự hiện diện ở biển Đông giữa lúc nhiều nước đang tập trung đối phó Covid-19. Ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (trụ sở ở Mỹ) cho rằng "điều gây sốc" là Trung Quốc lại đang có hành động gây hấn với các nước láng giềng vào thời điểm những quốc gia này vật lộn với đại dịch mà Bắc Kinh "phần nào chịu trách nhiệm". Trong khi đó, ông Bill Hayton, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh, bày tỏ lo ngại Trung Quốc đang tìm cách viết lại luật pháp quốc tế thông qua các tuyên bố chủ quyền phi lý của mình ở biển Đông.
Bình luận (0)