Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Igor Driesmans đã khẳng định cam kết của EU trong việc duy trì trật tự tại các vùng biển và đại dương dựa trên luật pháp quốc tế, an ninh và hợp tác hàng hải, cũng như tự do hàng hải và hàng không, vì lợi ích của tất cả các quốc gia.
Đại sứ Igor Driesmans cho biết EU quan ngại về các hành động đơn phương gần đây ở biển Đông, trong đó có việc triển khai tạm thời hoặc thường trực các lực lượng hoặc thiết bị quân sự trên các thực thể hàng hải đang tranh chấp, quấy rối hoặc đe dọa tàu cá và các tàu khác, cũng như cố gắng đơn phương áp đặt các địa giới hành chính mới.
Đại sứ EU tại ASEAN, ông Igor Driesmans. Ảnh: netralnews.com
Đại sứ Driesmans nhấn mạnh rằng những hành động nói trên đã "làm gia tăng căng thẳng" và "hủy hoại" môi trường an ninh hàng hải trong khu vực, "đe dọa nghiêm trọng" đến sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực, đồng thời "làm suy yếu" hợp tác và lòng tin quốc tế - điều rất quan trọng nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) hiện nay.
Theo nhà ngoại giao này, điều xảy ra tại biển Đông cũng là vấn đề của cả thế giới. Ước tính 1/3 lưu lượng vận chuyển hàng hóa của thế giới đi qua biển Đông và do vậy, tự do hàng hải tại khu vực này là điều mà cả thế giới đều cần.
Các đối tác châu Á đang ngày càng muốn EU hiện diện và tham gia vào các vấn đề an ninh khu vực và đó cũng là mục tiêu mà EU đang theo đuổi thông qua việc tham gia tích cực vào các cơ chế đa phương như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), cũng như các hoạt động cụ thể với từng quốc gia trong khu vực, chẳng hạn như hiệp định gần đây về sự tham gia của Việt Nam trong các hoạt động quản lý khủng hoảng dân sự và quân sự của EU.
Đại sứ Driesmans cho biết EU đang hợp tác "chặt chẽ hơn bao giờ hết" với ASEAN và sẽ tiếp tục hỗ trợ các tiến trình khu vực do ASEAN dẫn dắt nhằm thúc đẩy trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật pháp, củng cố hợp tác đa phương và hợp tác chặt chẽ với các bên thứ ba.
Do vậy, EU mong muốn ASEAN và Trung Quốc hoàn tất một cách minh bạch các cuộc đàm phán về một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý.
Đại sứ Driesmans nhấn mạnh rằng điều quan trọng đối với tất cả các bên trong khu vực là phải tự kiềm chế và tránh các hành động đơn phương, có các động thái cụ thể nhằm trở lại nguyên trạng, ngừng quân sự hóa khu vực và giải quyết các tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).
EU khuyến khích các bên tăng cường các biện pháp xây dựng sự tin cậy, lòng tin và an ninh trong khu vực. Nếu cần, các bên có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của một bên thứ ba trong vai trò hòa giải hoặc phân xử nhằm tạo thuận lợi cho việc giải quyết các yêu sách của mình.
Đại sứ Driesmans cho hay EU có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết các yêu sách lãnh thổ chồng chéo và "rất sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm này với các đối tác châu Á".
Tàu Hải quân Mỹ và Úc được nhìn thấy ở biển Đông. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Hải quân Mỹ đã dành nhiều lời khen ngợi cho Hải quân Hoàng gia Úc khi tham gia các cuộc tập trận ở biển Đông, động thái cho thấy cả hai quốc gia đều có cùng mối quan tâm chung trong việc đảm bảo tự do hàng hải.
Tàu chiến Úc HMAS Parramatta đã lên đường cùng tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và sau đó gặp tàu tấn công đổ bộ USS America và tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry.
Các hoạt động tuần tra bắt đầu vào ngày 13- 4 trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở rộng sự hiện diện trong khu vực, bao gồm mở các trạm nghiên cứu trên các rạn san hô nhân tạo được bồi lắp trái phép.
Chuẩn đô đốc Fred Kacher, chỉ huy nhóm tác chiến viễn chinh Mỹ, cho biết trên trang web của Hải quân Mỹ: "Chúng tôi tìm kiếm mọi cơ hội để có thể làm việc với các đồng minh Úc mạnh mẽ trên biển".
Thuyền trưởng Kurt Sellerberg, chỉ huy tàu USS Bunker Hill, cho rằng: "Úc có cùng mối quan tâm trong việc đảm bảo tự do hàng hải và tuân thủ các quy tắc và tập quán được quốc tế công nhận liên quan đến luật biển".
Hoạt động trên biển diễn ra từ ngày 13-4 khi Trung Quốc tiếp tục mở rộng sự hiện diện ở biển Đông. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)