Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã trải thảm đỏ chào đón các lãnh đạo ASEAN tới dự lễ kỷ niệm Quốc khánh nước này ngày 26-1.
Tìm đồng minh mới
Đây là lần đầu tiên toàn bộ 10 nhà lãnh đạo của các nước ASEAN cùng được mời tới sự kiện trọng đại này của Ấn Độ. Theo truyền thống, New Delhi chỉ mời một nhân vật cấp cao nước ngoài dự lễ diễu binh mừng ngày Cộng hòa. Việc tụ hội tất cả lãnh đạo ASEAN - khu vực được đánh giá là có tầm quan trọng chiến lược - diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đang tìm kiếm những mối quan hệ sâu bền hơn nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Một ngày trước khi buổi lễ trên diễn ra, Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ với chủ đề "Chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh" diễn ra tại thủ đô New Delhi nhằm thúc đẩy hợp tác hàng hải và an ninh tại khu vực. Theo trang Asian Nikkei Review, các nhà phân tích đánh giá cuộc họp thượng đỉnh kỷ niệm một phần tư thế kỷ quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN là một dấu hiệu cho thấy các nước Đông Nam Á đang xích lại gần New Delhi hơn - một động thái khó có thể được Bắc Kinh chào đón.
Ấn Độ đang theo đuổi chính sách "Hành động hướng Đông" nhằm tăng cường phát triển quan hệ chính trị và kinh tế với Đông Nam Á. Nỗ lực này được cho là gặp thách thức không nhỏ khi khu vực này đang có kim ngạch thương mại với Trung Quốc gấp 6 lần so với Ấn Độ. Trong khi đó, Trung Quốc ráo riết mở rộng tầm ảnh hưởng ở Nam Á, xây dựng các nhà máy năng lượng và hải cảng ở các quốc gia quanh Ấn Độ như Pakistan, Sri Lanka. Điều này cũng góp phần thúc đẩy New Delhi tìm kiếm những đồng minh mới. "Ấn Độ không muốn một châu Á bị Trung Quốc chi phối. Đông Nam Á là một trong những khu vực quan trọng có thể quyết định điều này" - chuyên gia Dhruva Jaishankar từ Tổ chức Brookings India nhận định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp toàn thể giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25-1 Ảnh: TTXVN
Đối trọng
Một trong những dấu hiệu cho thấy sự tập trung của Ấn Độ vào Đông Nam Á phải kể tới sự công khai đứng về phía khu vực này của New Delhi gần đây trong các tranh chấp ở biển Đông. Thủ tướng Modi thậm chí còn thẳng thừng chỉ trích các hoạt động quân sự hóa sai trái của Bắc Kinh là bằng chứng của "tư duy của chủ nghĩa bành trướng thế kỷ XVIII". Giới phân tích cho rằng thái độ ngày càng cứng rắn của Ấn Độ trước Trung Quốc đang khiến ASEAN chú ý. Nói rõ hơn, các hành động khiêu khích của Trung Quốc ở biển Đông trong những năm gần đây thúc đẩy ASEAN hướng về phía Ấn Độ như một đối tác cân bằng.
"Điều các nước Đông Nam Á đã và đang tìm kiếm ở Ấn Độ là một đối tác có thể đứng lên vì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và điều đó đặc biệt quan trọng đối với lĩnh vực hàng hải" - chuyên gia cấp cao Alyssa Ayres thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) nói. Theo phân tích của nữ chuyên gia này, ở Ấn Độ, các nước Đông Nam Á có thể thấy ở đó một nước lớn dù không mạnh về kinh tế như Trung Quốc nhưng sẵn sàng khẳng định đứng về phía họ. Chưa hết, các nước Mỹ, Nhật Bản và Úc còn ủng hộ ý tưởng về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó New Delhi đóng vai trò chiến lược tích cực hơn.
Kết nối với ASEAN được xem là vấn đề quan trọng trong cuộc thảo luận giữa lãnh đạo Ấn Độ và các nước ASEAN. New Delhi đang tham gia một dự án cao tốc ba bên dài 1.360 km với Myanmar và Thái Lan, đồng thời cân nhắc tăng cường hỗ trợ tài chính cho khu vực. Giới phân tích cho rằng các nước ASEAN có thể coi Ấn Độ là đối tác thay thế trên mặt trận phát triển hạ tầng và kết nối giữa lúc sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc không tiến triển như hứa hẹn ban đầu.
3 trọng tâm lớn cho hợp tác
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ ở thủ đô New Delhi hôm 25-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điểm lại toàn diện quá trình phát triển quan hệ ASEAN-Ấn Độ và đề xuất 3 trọng tâm lớn cho hợp tác. Đó là tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư, coi đây là động lực chính của quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ; hai bên cần tranh thủ các thành tựu khoa học, công nghệ của cách mạng 4.0 để đẩy nhanh phát triển. Thứ hai là tăng cường kết nối, gồm cả kết nối hạ tầng đường bộ, đường biển…, kết nối số và giao lưu nhân dân. Thứ ba là tăng cường hợp tác vì hoà bình, ổn định ở khu vực, ứng phó với các thách thức an ninh, cả truyền thống lẫn phi truyền thống.
Trước đó, tối 24-1 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà khách Chính phủ Ấn Độ - Hydrabad House. Đánh giá hợp tác quốc phòng - an ninh là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước, hai Thủ tướng đề nghị tăng cường hơn nữa hợp tác tin cậy và hiệu quả trong các lĩnh vực này. Theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nâng cao năng lực, tiếng Anh, chuyển giao công nghệ quốc phòng và cung cấp tín dụng quốc phòng.
Nhằm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 15 tỉ USD vào năm 2020, hai Thủ tướng đề nghị Tiểu ban Thương mại hai nước sớm họp trong đầu năm 2018 để nghiên cứu, tìm hướng giải quyết. Trong đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu kết nối hàng không và hàng hải nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh của hàng hóa hai nước; hạn chế và từng bước xóa bỏ các rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước.
Vấn đề biển Đông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh, tự do hàng hải và hàng không; giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, thúc giục xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu quả, phù hợp và mang tính ràng buộc pháp lý.
Hoàng Phương
Bình luận (0)