Tới năm 2050, dân số thế giới sẽ vào khoảng 10 tỉ người và việc đáp ứng nhu cầu thực phẩm lành mạnh, bền vững cho họ đã bắt đầu được tính tới.
Báo The Guardian (Anh) hôm 17-1 cho biết Tổ chức Nghiên cứu Eat của Na Uy cùng báo Lancet của Anh đã hợp tác để thực hiện một nghiên cứu sâu rộng tại 35 địa điểm trên thế giới nhằm tìm lời giải cho bài toán này.
Giải pháp của các nhà khoa học tham gia phụ thuộc vào những nỗ lực toàn cầu nhằm ổn định gia tăng dân số, kết quả của những mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và những thay đổi của thế giới trong cách sử dụng đất đai… Báo cáo ban đầu cho thấy chế độ ăn uống hằng ngày linh hoạt cho tất cả nhóm dân số dựa trên khoa học y tế tốt nhất cũng hạn chế tác động của sản xuất thức ăn lên hành tinh.
Chế độ ăn lành mạnh vừa tốt cho sức khỏe vừa bảo vệ môi trường cần phải giảm bớt khẩu phần trứng, thịt, cá và nói không với đường. Ảnh: ALAMY
Báo cáo của Eat - Lancet nhấn mạnh sản xuất thức ăn là nguồn cơn lớn nhất làm phá hoại môi trường. Các nhà nghiên cứu xác định một chế độ ăn uống đôi bên cùng có lợi - vừa tốt cho sức khỏe vừa có ích cho môi trường - có thể dựa trên chế độ ăn Địa Trung Hải vốn được ca ngợi nhiều, trong đó giảm bớt khẩu phần trứng, thịt, cá và nói không với đường. Đồ ăn bơ sữa, vốn phổ biến ở các nước phương Tây, cũng được khuyến cáo hạn chế trong chế độ ăn "giải cứu môi trường" này.
Chế độ ăn này cũng loại bỏ nhiều loại gia vị con người sử dụng để nấu ăn, từ rượu và rong biển tới trái cây khô và nước cốt dừa… Để hình dung tốt hơn, có thể tham khảo những con số cụ thể trong chế độ ăn uống của 1 tháng như sau: không được dung nạp quá 7 g thịt đỏ mỗi ngày, không ăn hơn 2 miếng ức gà và 3 quả trứng trong 2 tuần và chỉ ăn 2 hộp cá ngừ hoặc cá hồi mỗi tuần, đồng thời mỗi ngày chỉ tiêu thụ 250 g các sản phẩm sữa.
Bình luận (0)