Khu vực Đông Bắc Á trong năm vừa qua phức tạp và gay cấn về chính trị, an ninh hơn hẳn mấy năm trước đó. Trong ngày cuối cùng của năm cũ, CHDCND Triều Tiên phóng 3 quả tên lửa tầm ngắn và Hàn Quốc phản ứng rất quyết liệt.
Những diễn biến này một lần nữa xác nhận vùng Đông Bắc Á là điểm nóng đặc biệt nổi bật về chính trị an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong năm 2022 và báo hiệu sẽ tiếp tục như vậy trong năm 2023.
Diễn biến rất đa dạng nhưng đều dây mơ rễ má với nhau. Chưa có năm nào kể từ trước đến nay, Triều Tiên nhiều lần phóng tên lửa và phóng nhiều loại tên lửa như trong năm 2022. Bên ngoài Triều Tiên luôn cho rằng nước này có thể tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 7 vào bất cứ lúc nào.
Tại hội nghị Đảng Lao động Triều Tiên vừa qua, Bình Nhưỡng định hướng lại toàn bộ chính sách an ninh và chương trình hạt nhân, đề ra mục tiêu gia tăng mạnh mẽ hơn nữa tiềm lực vũ khí hạt nhân.
Quan điểm chính sách cứng rắn của Triều Tiên về Mỹ và Hàn Quốc đối trọng với việc Mỹ và Hàn Quốc thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược, tăng cường tập trận chung ở quy mô lớn
Hình ảnh được hãng thông tấn KCNA đăng tải hôm 1-1-2023 cho thấy các bệ phóng rốc-két đa nòng siêu lớn xuất hiện tại một buổi lễ ở thủ đô Bình Nhưỡng không lâu trước đó Ảnh: REUTERS
Ăn miếng trả miếng và leo thang đối đầu là tông điệu chính trong mối quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc với Triều Tiên trong năm qua. Cả hai phía đều chủ ý phô trương sức mạnh quân sự và chủ ý sẵn sàng đáp trả nhau bằng quân sự để cảnh báo và răn đe lẫn nhau.
Triều Tiên nỗ lực đưa vệ tinh do thám lên quỹ đạo không gian thì Hàn Quốc cũng thử nghiệm. Triều Tiên đưa thiết bị bay không người lái vượt qua giới tuyến quân sự tạm thời thì Hàn Quốc cũng làm vậy.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol thậm chí còn tuyên bố xem xét việc ngừng hiệu lực của thỏa thuận về hợp tác quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên ký kết hồi năm 2018.
Ông Yoon Suk-yeol lên cầm quyền ở Hàn Quốc và tuyên cáo theo đuổi chính sách cứng rắn hơn người tiền nhiệm đối với Triều Tiên.
Việc thay đổi tổng thống ở Hàn Quốc, Nhật Bản đưa ra chiến lược an ninh quốc gia và chương trình hành động quốc phòng mới, Mỹ không ưu tiên xử lý quan hệ với Triều Tiên và cuộc xung đột Nga - Ukraine (Triều Tiên đứng hẳn về phía Nga trong khi Mỹ, Nhật Bản và đồng minh hậu thuẫn Ukraine) đều là những tác nhân cùng tác động khiến cho khu vực Đông Bắc Á sôi động và gay cấn về chính trị an ninh và quan hệ quốc tế.
Những vấn đề chính trị an ninh dai dẳng lâu nay ở khu vực này tiếp tục bế tắc giải pháp. Đấy chính là điềm bất lành cho khu vực này về chính trị an ninh và quan hệ quốc tế trong thời gian tới.
Triều Tiên phải tìm cách riêng để thực hiện các mục tiêu đề ra và để xoay chuyển tình thế bị bao vây cấm vận và trừng phạt, để gây dựng con chủ bài và tạo thế cho cuộc giằng co với các đối thủ ở trong cũng như ngoài khu vực.
Triều Tiên còn phải tranh thủ Trung Quốc và Nga, cũng như gia tăng áp lực để buộc Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản phải ưu tiên xử lý các vấn đề mắc mớ lâu nay với mình.
Bộ ba này tuy thống nhất quan điểm sâu rộng và phối hợp hành động hiệu quả trong chính sách và quan hệ với Triều Tiên nhưng vẫn đều chưa có được ý tưởng giải pháp cho những vấn đề đặt ra lâu nay. Năm 2023, tình hình chính trị an ninh ở vùng Đông Bắc Á xem ra rất đáng lo ngại.
Trấn an của Mỹ
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 6-1 khẳng định sự hợp tác chặt chẽ giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó một loạt thách thức tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có "mối đe dọa an ninh" từ Triều Tiên.
Theo ông Price, các biện pháp tăng cường hợp tác 3 bên nói trên sẽ là chủ đề quan trọng khi Ủy ban Tham vấn An ninh Mỹ - Nhật Bản họp tại thủ đô Washington vào tuần tới. Sau cuộc họp này, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Nhà Trắng ngày 13-1.
Theo hãng tin Yonhap, ông Ned nhận định Mỹ và Nhật Bản có mối quan hệ chặt chẽ và điều này sẽ được thể hiện tại các sự kiện nói trên. Người này nói thêm vấn đề Triều Tiên sẽ là nội dung thảo luận hàng đầu tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Nhật Bản sắp tới, đồng thời khẳng định một mối quan hệ 3 bên hiệu quả đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đối phó thách thức này.
Phương Võ
Bình luận (0)