Ngoài ra, tương lai của dự án Nord Stream tiếp tục bị đặt dấu hỏi, nhất là khi phương Tây lâu nay chỉ trích dự án này chỉ khiến châu Âu thêm phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Cả 2 đường ống trên vẫn được bơm đầy khí đốt nhưng không vận chuyển nhiên liệu đến châu Âu. Một số nhà địa chấn học cho biết đã xảy ra nổ dưới đáy biển Baltic trước khi thông tin về vụ rò rỉ đầu tiên được công bố ngày 26-9.
Kể từ đó, theo Reuters, đã có 4 vụ rò rỉ khí đốt trên 2 đường ống Nord Stream 1 và 2 được ghi nhận, trong đó 2 vụ xảy ra bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và 2 vụ trong EEZ Đan Mạch. Trong số này, vụ mới nhất được truyền thông Thụy Điển đưa tin hôm 29-9.
Giá khí đốt ở châu Âu đã tăng khoảng 14% kể từ khi sự cố xảy ra. Trước đó, mức giá này đã giảm so với con số cao kỷ lục vào cuối tháng 8.
Ảnh chụp vụ rò rỉ khí đốt tại đường ống Nord Stream 2 bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển hôm 28-9. Ảnh: REUTERS
Liên minh châu Âu (EU) nghi đã có sự phá hoại dẫn đến các vụ rò rỉ khí đốt nói trên và cam kết có phản ứng "mạnh" đối với hành động cố tình làm gián đoạn hạ tầng năng lượng của mình. Lo lắng về nguy cơ xảy ra thêm sự cố, các công ty năng lượng và chính phủ ở châu Âu bắt đầu tăng cường bảo vệ hạ tầng năng lượng của mình.
Theo AP, một số quan chức châu Âu và chuyên gia năng lượng cho rằng Nga có thể phải chịu trách nhiệm nếu cáo buộc của EU là đúng. Theo họ, Moscow hưởng lợi trực tiếp từ giá năng lượng cao và nỗi lo kinh tế tại châu Âu. Dù vậy, một số ý kiến tỏ ra thận trọng khi nhấn mạnh cần đợi kết quả điều tra trước khi quy trách nhiệm cho bên nào.
Đáp lại, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ cáo buộc Moscow liên quan đến sự cố rò rỉ khí đốt. Không dừng lại ở đó, nhà chức trách Nga thông báo mở cuộc điều tra "khủng bố quốc tế" về sự cố rò rỉ khí đốt nói trên. Nước này cũng yêu cầu tổ chức cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để thảo luận vụ việc. Cuộc họp này dự kiến diễn ra trong ngày 30-9.
Bình luận (0)