Người phát ngôn lực lượng cảnh sát biển Thụy Điển, ông Jenny Larsson, nói với tờ Svenska Dagbladet cuối ngày 28-9: "Hai trong số 4 vụ rò rỉ nằm trên đoạn đường ống trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển. Hai vụ rò rỉ khác nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch".
Theo Lực lượng cảnh sát biển Thụy Điển, vụ rò rỉ thứ tư nằm trên đường ống Nord Stream 2, gần với một lỗ lớn hơn được tìm thấy trên Nord Stream 1 gần đó. Tuy nhiên, lực lượng cảnh sát biển Thụy Điển đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của hãng tin Reuters vào ngày 29-9.
Trước đó, các nhà chức trách Đan Mạch cũng báo cáo một lỗ hổng trong 2 hai đoạn đường ống thuộc vùng biển của họ.
Vào thời điểm phát hiện rò rỉ, cả hai đường ống đều trong trạng thái không hoạt động. Thế nhưng, đường ống vẫn chứa đầy khí đốt và đang phun một lượng khí lớn vào biển Baltic.
Bọt khí nổi lên trên mặt biển gần Bornholm (Đan Mạch) từ lỗ rò rỉ ở đường ống Nord Stream 2. Ảnh: Reuters
Những nghi ngờ đây là hành vi phá hoại xuất hiện sau khi các lỗ rò rỉ được phát hiện. Điện Kremlin đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc cho rằng Nga đứng sau vụ rò rỉ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, đồng thời chỉ trích những cáo buộc này.
Tuy nhiên, lực lượng an ninh châu Âu ngày 26 và 27-9 phát hiện một số tàu hỗ trợ của hải quân Nga gần nơi xảy ra sự cố rò rỉ trên đường ống khí đốt Nord Stream. Thông tin này được đài CNN trích dẫn từ hai quan chức tình báo phương Tây và một nguồn thạo tin vào ngày 28-9.
Washington vẫn chưa có lời giải thích thấu đáo về những gì đã xảy ra với đường ống dẫn khí đốt. Các quan chức Mỹ từ chối bình luận về tàu Nga.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn về sự cố Nord Stream vào ngày 30-9 theo yêu cầu của Nga. Ảnh: Reuters
Ở chiều ngược lại, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga cho rằng đường ống Nord Stream rò rỉ trong khu vực do tình báo Mỹ kiểm soát, nhắc lại nghi vấn Washington đứng sau sự việc.
Một quan chức quân sự Đan Mạch cho biết các tàu hải quân Nga thường xuyên hoạt động trong khu vực và việc chúng hiện diện gần điểm rò rỉ "không nhất thiết chứng tỏ Nga gây ra sự cố".
Quan chức quân sự Đan Mạch nói: "Chúng tôi nhìn thấy chúng hàng tuần. Các hoạt động của Nga tại biển Baltic gia tăng trong những năm gần đây. Họ thường xuyên thăm dò khả năng sẵn sàng của chúng tôi cả trên biển lẫn trên không".
Cả Đan Mạch và Thụy Điển đều đang điều tra nhưng hoạt động kiểm tra hiện trường chưa được triển khai và vẫn thiếu thông tin chi tiết về nguyên nhân vụ nổ.
Một quan chức châu Âu cho biết chính phủ Đan Mạch đang đánh giá về sự cố và có thể mất tới hai tuần để bắt đầu điều tra, do chưa thể tiếp cận vị trí rò rỉ. Một nguồn tin khác lại cho rằng cuộc điều tra có thể bắt đầu sớm nhất vào ngày 2-10.
Bình luận (0)