Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hối thúc việc thương lượng phải bắt đầu “càng sớm càng tốt”. Ông đưa ra bình luận trên sau cuộc họp khẩn cấp của 6 quốc gia EU để thảo luận quyết định của Anh.
6 thành viên EU – Đức, Pháp, Ý, Bỉ, Luxembourg và Hà Lan – tổ chức họp khẩn cấp ở thủ đô Berlin – Đức hôm 25-6. “Quá trình này cần được thực hiện càng nhanh càng tốt để ta có thể tập trung vào tương lai của châu Âu thay vì ở trong tình trạng lấp lửng” – ông Steinmeier phát biểu tại cuộc họp. Người đồng cấp Hà Lan Bert Koenders thì cho biết châu Âu sẽ không chấp nhận một khoảng trống chính trị.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định ông sẽ từ chức vào tháng 10, để lại vấn đề đàm phán rời EU cho người kế nhiệm.
Cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên vắng mặt đại diện Anh EU sẽ được tổ chức vào ngày 29-6, một ngày sau khi ông Cameron gặp các nước thành viên.
Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ "sự tiếc nuối sâu sắc" đối với kết quả bầu cử. Ảnh: REUTERS
Anh sẽ mất ít nhất 2 năm để đàm phán các điều khoản cho sự ra đi, dựa theo Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon của EU.
Người đứng đầu Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker khẳng định sự chia rẽ của EU-Anh “không phải là một cuộc ly hôn thân thiện nhưng cũng không hẳn là một “mối quan hệ sâu nặng”. Ông cũng cho rằng một cuộc thương lượng về sự ra đi cần được tổ chức ngay lập tức.
“Người dân Anh đã quyết định rời EU vào ngày 23-6, vì vậy thật vô nghĩa khi phải chờ đến tháng 10 để đàm phán các điều khoản ra đi của họ” – ông Juncker trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình ARD của Đức.
Trong khi đó, truyền thông Đức bày tỏ sự sốc nặng đối với quyết định rời EU của Anh. Không ai trong bộ máy chính phủ mong đợi điều này và họ đang vật lộn để bảo vệ quyền lợi của Đức lẫn châu Âu.
Hiện tại, Đức cần tập trung vào 2 quyết định quan trọng và hết sức nhạy cảm. Thứ nhất là liệu có nên tận dụng Brexit để thúc đẩy châu Âu hội nhập sâu hơn hoặc xem đây là một hồi chuông cảnh tỉnh và tăng cường sự linh hoạt trong liên minh. Thứ hai, làm thế nào để đối xử với Anh – một đối tác thương mại quan trọng – như một “nước thứ ba”.
Đức "sốc nặng" vì quyết định ra đi của Anh. Ảnh: BBC
Trong khi đó, hơn 1 triệu người Anh đã ký vào kiến nghị kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về tư cách thành viên EU của Anh. Quốc hội sẽ cân nhắc kiến nghị này bởi có ít nhất 100.000 chữ ký như yêu cầu. Trước đây, Thủ tướng Cameron từng khẳng định sẽ không có cuộc trưng cầu dân ý thứ 2.
Mặc dù có 52% người dân muốn rời khỏi EU trong kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 23-6 nhưng phần lớn cư dân ở London, Scotland và Bắc Ireland lại ủng hộ phía ở lại.
Phát ngôn viên của Hạ viện Anh cho biết trang web lập đơn kiến nghị tạm thời bị sập do “có quá nhiều người cùng truy cập để ký tên".
Người dân biểu tình ngoài tòa nhà Quốc hội sau kết quả kiểm phiếu. Ảnh: EPA
Một kiến nghị khác yêu cầu thị trưởng London Sadiq Khan tách thủ đô này khỏi Vương quốc Anh và nộp đơn gia nhập EU cũng thu hút hơn 100.000 chữ ký. Tại toàn bộ 33 quận của London, ít nhất 59,9% cử tri bỏ phiếu chọn ở lại EU, trong đó một vài nơi còn đạt mức 70%.
Kiến nghị này, do một người tên James O’Malley lập ra, nêu rõ: “London là một thành phố quốc tế và chúng tôi muốn nó vẫn là trung tâm của châu Âu. Hãy đối diện sự thật rằng một nửa đất nước không chấp nhận điều này. Vì thế, thay vì thụ động bỏ phiếu chống lại nhau, chúng ta hãy chính thức tách ra và tiếp tục gắn kết với bạn bè ở châu Âu”.
Đáp lại, ông Khan khẳng định ông tin rằng London “sẽ tiếp tục là một thành phố thành công” nhưng vẫn ủng hộ một vương quốc Anh là một phần của một thị trường duy nhất.
Bình luận (0)