Tất cả nhân viên sứ quán Anh đã rời Iran ngày 30-11, theo đài quốc gia Iran IRIB TV. |
Hàng trăm người dân Iran, chủ yếu là sinh viên, đã biểu tình trước khu vực sứ quán Anh tại Tehran, hô vang các khẩu hiệu phản đối Anh và yêu cầu chính phủ Iran trục xuất Đại sứ Anh.
Biểu tình tấn công liên tiếp
Người biểu tình đã xung đột với lực lượng cảnh sát chống bạo động trước khi một số người trèo qua cổng để tràn vào sứ quán. Đá và bom xăng bị ném vào sứ quán, khiến nhiều cửa kính bị vỡ, các văn phòng hư hỏng. Hãng thông tấn bán chính thức Mehr của Iran còn cho hay người biểu tình đã hạ và đốt quốc kỳ Anh, thay vào đó bằng quốc kỳ Iran.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát trước khi tiến vào sứ quán Anh. Ảnh: Getty Images
Cảnh sát chống bạo động phải bắn hơi cay để giải tán đám đông. Hãng tin Fars tường thuật một số sinh viên và nhân viên an ninh đã bị thương.
Cuộc biểu tình diễn ra sau khi Hội đồng Giám hộ Iran, cơ quan lập pháp tối cao của nước này, thông qua quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao với Anh và trục xuất Đại sứ Anh tại Iran.
Ngay sau cuộc biểu tình thứ nhất, khoảng 100 - 300 người biểu tình Iran đã xông vào tổ hợp ngoại giao thứ hai của Anh có tên Qolhak Garden ở phía bắc Tehran, là nơi đặt những dinh thự của các nhà ngoại giao Anh và các trường học của Pháp, Đức và Anh. Phải mất nhiều giờ, cảnh sát chống bạo động mới vãn hồi được trật tự và bắt giữ những người biểu tình.
Đạp đổ biểu tượng của sứ quán Anh. Ảnh: Reuters
Phá vỡ các cửa kiếng. Ảnh: AP
Những cảnh tượng trên gợi nhớ tới vụ các sinh viên Hồi giáo chiếm Đại sứ quán Mỹ ở Tehran hồi năm 1979, bắt 52 nhà ngoại giao tại đây làm con tin trong suốt 444 ngày, dẫn tới việc Mỹ và Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Căng thẳng ngoại giao tăng cao
Thủ tướng Cameron gọi những hành động này là “thái quá và không thể bào chữa”, đồng thời chỉ trích chính phủ Iran không bảo vệ được nhân viên và tài sản của phái bộ ngoại giao Anh ở Tehran là một điều “đáng hổ thẹn”.
“Chính phủ Iran phải nhận ra rằng sẽ có những hậu quả nghiêm trọng vì họ không bảo vệ được các nhân viên của chúng tôi. Chúng tôi sẽ xem xét những biện pháp đáp trả trong vài ngày tới” - ông Cameron tuyên bố.
Xé bỏ hình nữ hoàng Anh. Ảnh: AFP, EPA
Còn phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Anh hối thúc chính phủ Iran "hành động khẩn cấp để kiểm soát tình hình" theo đúng nghĩa vụ của Tehran được nêu trong luật pháp quốc tế là bảo vệ các nhà ngoại giao và sứ quán.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng lên án vụ tấn công trên. Phát biểu sau sự cố, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Loại hành động như vậy không thể chấp nhận được. Tôi cực lực yêu cầu chính phủ Iran bắt giữ những người chịu trách nhiệm”.
Cùng lúc, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố “lấy làm tiếc về hành vi không thể chấp nhận được của một số ít người biểu tình bất chấp nỗ lực của cảnh sát”, đồng thời cam đoan chính phủ không hề có vai trò gì trong các cuộc biểu tình trên. Cảnh sát trưởng Tehran cũng tuyên bố đã mở cuộc điều tra và những người xông vào trong sứ quán Anh sẽ bị đưa ra xét xử.
Cảnh sát chống bạo động Iran bảo vệ trước sứ quán Anh. Ảnh: Getty Images
Liên Hiệp Quốc lên án
Rạng sáng 30-11, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ra tuyên bố chỉ trích mạnh mẽ vụ đốt phá sứ quán Anh tại Tehran và yêu cầu chính phủ Iran cần bảo vệ nhân viên và tài sản ngoại giao nước ngoài ở nước này theo luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, tuyên bố này không đưa ra bất kỳ hành động cụ thể nào đối với Iran. |
Bình luận (0)