Theo Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt đã phác thảo kế hoạch nói trên tại Quốc hội sau một cuộc họp của Uỷ ban Khẩn cấp Anh (COBR). Cuộc họp thảo luận về phản ứng của London về vụ Tehran bắt tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh cùng 23 thành viên thuỷ thủ đoàn.
Ông Hunt cho rằng theo luật pháp quốc tế, Iran không có quyền cản trở tàu Stena Impero đi qua Eo biển Hormuz. "Đó là hành động cướp biển" - Bộ trưởng Ngoại giao Anh nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Hunt thông báo London sẽ đề xuất một nhiệm vụ bảo vệ hàng hải do châu Âu dẫn đầu nhằm hỗ trợ thuỷ thủ đoàn và hàng hoá lưu thông an toàn trong khu vực Vùng Vịnh.
Nhiệm vụ này không liên quan đến việc đóng góp sức mạnh quân sự của châu Âu để ủng hộ lập trường cứng rắn của Mỹ đối với Iran. Vì vậy, nó không nằm trong chính sách gây áp lực tối đa của Mỹ đối với Iran vì Anh "vẫn cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân năm 2015", theo ông Hunt.
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt lên án hành động cướp biển của Iran. Ảnh: Sky News
Yêu cầu của Anh báo hiệu một sự thay đổi tiềm tàng từ các đồng minh lớn ở châu Âu của Mỹ. Cho đến nay, các nước châu Âu vẫn tỏ ra không mặn mà với việc tăng cường sự hiện diện quân sự ở Vùng Vịnh. Không rõ ảnh hưởng của Anh tại châu Âu lớn đến mức nào để kế hoạch có thể được thực thi.
Trong khi đó, tại Nicaragua, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cáo buộc tàu chở dầu của Anh gây nguy hiểm cho hoạt động vận chuyển bằng cách "tắt tín hiệu trong thời gian dài hơn mức cho phép và di chuyển không đúng kênh".
Ông Zarif lưu ý hành động của Iran không phải là để trả đũa việc Anh bắt tàu chở dầu Grace 1 ở Gibraltar cách đây 2 tuần. Quan chức này cũng cảnh báo phương Tây không châm ngòi xung đột.
"Bắt đầu một cuộc xung đột thì dễ, kết thúc nó là điều không thể. Iran không muốn đối đầu" - ông Zarif nói với các phóng viên sau khi gặp người đồng cấp Nicaragua.
Bình luận (0)