Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua, báo động khủng bố được nâng lên mức tối đa. Đây cũng là lần đầu tiên binh sĩ được triển khai trên đường phố kể từ năm 2003, thời điểm London phản ứng với âm mưu bắn hạ một chiếc máy bay.
Cùng ngày, Bộ trưởng Nội vụ Anh Amber Rudd cho biết nghi phạm vụ đánh bom tự sát tại sân vận động Manchester Arena tối 22-5 - khiến ít nhất 22 người thiệt mạng và 59 người bị thương - không hành động một mình.
Trong khi đó, các nhà điều tra sợ rằng tên này, được xác định là Salman Abedi, 22 tuổi, là một phần của mạng lưới những kẻ khủng bố lấy cảm hứng từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong đó nhiều khả năng còn một kẻ chế tạo bom vẫn chưa bị bắt.
Các lực lượng đặc nhiệm cũng đã được triển khai tới TP Manchester để hỗ trợ cảnh sát truy tìm những đồng phạm của Abedi, được cho là có thể đang chuẩn bị những vụ tấn công tiếp theo. Liên quan tới vụ tấn công, tổng cộng 4 người đã bị bắt giữ, trong đó có anh trai của nghi phạm.
Cảnh sát vũ trang tại London ngày 24-5 Ảnh: REUTERS
Theo Telegraph, Abedi sinh ra tại Manchester trong một gia đình tị nạn trốn chạy chế độ của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Cha của hắn đã quay về quê hương sau sự sụp đổ của chế độ Gaddafi năm 2011.
Năm 2014, Abedi có ghi danh vào ngành quản trị kinh doanh tại Trường ĐH Salford (Anh) nhưng sau đó bỏ giữa chừng. Các cơ quan an ninh Anh có lưu ý tới tên này nhưng chưa bao giờ liệt y vào diện điều tra hay đối tượng nguy hiểm. Theo tiết lộ của một người bạn học của nghi phạm với tờ The Times, Abedi đã tới Libya cách đây khoảng 3 tuần và vừa trở về chỉ vài ngày trước.
Theo Daily Mail, nghi phạm tới cầu nguyện tại Trung tâm Hồi giáo Manchester hay còn được biết tới là nhà thờ Didsbury. Theo lời một người bạn của gia đình, Abedi có vẻ bình thường và không có dấu hiệu bạo lực.
Tuy nhiên, người đứng đầu nhà thờ nói trên, ông Mohammed Saeed El-Saeiti, cho biết hắn từng tỏ thái độ thù ghét khi ông chỉ trích sự tàn bạo của IS. Những người hàng xóm sống gần ngôi nhà của gia đình Abedi trên đường Elsmore, phía Nam Manchester phản ánh gần đây, hắn có một số hành vi lạ lùng như đứng giữa phố và đọc lớn kinh cầu nguyện của người Hồi giáo.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Rudd trong ngày 24-5 chỉ trích tình báo Mỹ làm rò rỉ nhiều thông tin mật về vụ tấn công ở Manchester cho truyền thông và nhắc nhở Washington không được tái diễn tình trạng này. Theo đó, những thông tin như danh tính kẻ tấn công, thương vong ban đầu… được báo giới Mỹ đưa tin trước cả khi cảnh sát Anh công bố được cho là do các nguồn tin tình báo Mỹ làm rò rỉ.
Bình luận (0)