Ông Cameron khẳng định London sẽ làm hết sức để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Anh tin rằng nếu chỉ viện trợ tiền bạc và tiếp nhận người di cư thì không thể giải quyết rốt ráo vấn đề. Thay vào đó, cần phải thành lập một “lực lượng quân đội cứng rắn” để đánh bại cả chế độ Assad và IS, qua đó kết thúc cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này.
Ý kiến của ông Cameron được đưa ra trong phiên chất vấn thủ tướng chính phủ với sự tham dự của các nhà lập pháp Anh, qua đó cho thấy tín hiệu mạnh mẽ rằng Anh sẽ sớm ném bom Syria.
Trước đó, hôm 7-9, ông Cameron cho biết một máy bay không người lái của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) trong một cuộc không kích mục tiêu IS tại Syria hồi tháng 8 đã giết chết 2 chiến binh thánh chiến người Anh. Đây là hành động chưa từng có tiền lệ, khi lần đầu tiên RAF giết chết công dân mình ở nước ngoài.
Ông Cameron sau đó bị chỉ trích vì ra lệnh cho RAF thực hiện sứ mệnh quan trọng mà không được sự ủng hộ của quốc hội. Nhưng ông biện hộ rằng qua thông tin tình báo, 2 chiến binh IS nói trên có âm mưu tấn công khủng bố tại Anh nên phải tiêu diệt để trừ hậu họa.
Trong một diễn biến liên quan, IS vừa chụp hình 2 con tin người Na Uy và Trung Quốc rồi đăng tải lên tạp chí trực tuyến Dabiq của nhóm, với dòng chú thích: “Tù nhân Na Uy cần bán” và “Tù nhân Trung Quốc cần bán”.
Hai người đàn ông đều mặc bộ áo liền quần màu vàng, đeo 1 tấm thẻ ghi tên, mã số, thông tin cá nhân… Bên dưới 1 số điện thoại mã vùng của Iraq, IS thông báo: “Lưu ý, đây là một đề nghị có giới hạn thời gian”.
Thông điệp này có thể hiểu là một hành động đòi tiền chuộc, nếu không IS có thể sẽ hành quyết 2 tù nhân bằng cách này hay cách khác.
Phát biểu với các phóng viên ở thủ đô Oslo chiều 9-9, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg xác nhận 1 công dân nước này trong độ tuổi 40 đang bị giữ làm con tin ở Syria. Ông bị bắt cóc hồi tháng 1 năm nay bởi các nhóm khác nhau và hiện tại đang bị IS cầm giữ.
Bà Solberg cho biết thêm những kẻ bắt cóc đòi tiền chuộc vài lần nhưng chính phủ Na Uy kiên quyết không trả. “Chúng tôi sẽ không nhượng bộ trước áp lực từ những kẻ khủng bố và tội phạm. Na Uy sẽ không trả tiền chuộc vì nếu làm điều này, nguy cơ các công dân Na Uy khác bị bắt làm con tin sẽ tăng lên” – bà nói.
Bình luận (0)