Mở đầu công hàm, Anh, Pháp và Đức (nhóm E3) tuyên bố họ khẳng định các lập trường pháp lý của mình trên biển Đông với tư cách là nước thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Công hàm chung nhấn mạnh những tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến “quyền lịch sử” trên biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các điều khoản của UNCLOS và phán quyết ngày 12-7-2016 về biển Đông của Tòa án Trọng tài Thường trực là một minh chứng.
Tàu USS McCampbell và tàu HMS Argyll trong một cuộc tập trận chung Anh-Mỹ trên biển Đông hồi 2019. Ảnh: Retuers
Viện dẫn các quy định đầy đủ và rõ ràng về việc xác định đường cơ sở thẳng và đường cơ sở quần đảo được nêu trong phần II và phần IV của UNCLOS, nhóm E3 nhấn mạnh việc một quốc gia lục địa như Trung Quốc đối xử với các quần đảo và thực thể hàng hải mà không tuân thủ các điều khoản trong phần II của UNCLOS, hoặc sử dụng các điều khoản trong phần IV (vốn chỉ dành cho các đảo quốc) là không có cơ sở pháp lý.
Hoạt động bồi đắp thực thể hay bất kỳ tác động nhân tạo nào khác sẽ không làm thay đổi cách phân loại đối tượng địa lý theo UNCLOS.
"Mọi tranh chấp liên quan đến yêu sách hàng hải ở biển Đông cần được nêu ra và giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của UNCLOS cũng như các phương tiện và thủ tục giải quyết tranh chấp được quy định trong UNCLOS" – công hàm kêu gọi.
"Là các nước thành viên UNCLOS, Anh-Pháp-Đức sẽ tiếp tục duy trì và khẳng định các quyền và tự do được nêu trong UNCLOS để góp phần thúc đẩy hợp tác khu vực theo quy định của công ước" – công hàm nhấn mạnh.
Bình luận (0)