Theo tuyên bố chung về thỏa thuận bước ngoặt này, 3 nước đặt mục tiêu đưa chiến đấu cơ mới đi vào hoạt động năm 2035 trong khuôn khổ liên doanh gọi là chương trình Không chiến toàn cầu (GCAP).
GCAP có sự tham gia của dự án Hệ thống không chiến tương lai (còn gọi là Tempest) do Anh dẫn đầu và chương trình máy bay chiến đấu F-X của Nhật Bản.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, các công ty BAE Systems PLC (Anh), Mitsubishi Heavy (Nhật Bản) và Leonardo (Ý) sẽ phụ trách thiết kế máy bay và nó dự kiến được trang bị những tính năng tiên tiến về trí tuệ nhân tạo và chiến tranh mạng.
Ngoài ra, các công ty Rolls-Royce (Anh), IHI (Nhật Bản) và Avio Aero (Ý) sẽ đảm nhận chế tạo động cơ máy bay.
Tham gia dự án còn có nhà sản xuất tên lửa MBDA của châu Âu và hãng Mitsubishi Electric (Nhật Bản). Dù vậy, 3 nước trên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về một số chi tiết của dự án, như cách chia sẻ công việc và nơi phát triển máy bay.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak (thứ 2 từ phải qua) tại một căn cứ không quân ở hạt Linconshire sau khi thỏa thuận hợp tác giữa nước này và Ý, Nhật Bản được công bố hôm 9-12. Ảnh: REUTERS
Tuyên bố chung của 3 nước cũng khẳng định họ cam kết duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tự do và rộng mở vào thời điểm những nguyên tắc này bị thách thức.
Reuters nhận định thỏa thuận có thể giúp ích cho Nhật Bản - quốc gia dự kiến trong tháng này thông báo kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên khoảng 2% GDP trong 5 năm tới sau khi đánh giá tình hình an ninh khu vực đang xấu đi.
Ngoài ra, thỏa thuận còn giúp Anh có vai trò an ninh lớn hơn tại khu vực đang là động lực chính của tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak khẳng định nước này cần đi đầu trong công nghệ quốc phòng và tin tưởng thỏa thuận trên sẽ tạo thêm nhiều việc làm mới. Anh cho biết thêm các nước khác có thể tham gia dự án và chiến đấu cơ mới sẽ tương thích với máy bay chiến đấu đang được các đối tác thuộc NATO sử dụng.
Bình luận (0)