Trước đó, vào đầu tháng 6, chính quyền ông Trudeau đã đồng ý bán Norsat cho Công ty Hytera của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các đảng phái đối lập, hai cựu điệp viên kì cựu Canada và một ủy ban quốc hội Mỹ sau đó đã nêu ra những lo ngại an ninh về thương vụ nêu trên. Theo đó, thương vụ này đã bị hoãn vào hôm 12-6 sau khi Mỹ đưa ra mức giá cao hơn cho Norsat.
Trong suốt tuần qua, thương vụ Norsat trở thành chủ đề bàn bạc chính trong quốc hội Canada. Thủ tướng Trudeau cũng đã bị chỉ trích vì cách thức xử lý vụ việc và vì cương quyết thực hiện nó đến cùng.
"Các chuyên gia an ninh quốc gia đã đánh giá thương vụ và công nghệ trước khi kết luận rằng nó không gây ra bất cứ lo ngại an ninh quốc gia nào. Chúng tôi luôn lắng nghe lời khuyên của các chuyên gia an ninh đối với những vấn đề như thế này. Hơn tất cả, chúng tôi cũng đã bàn bạc với đồng minh và trong trường hợp này, chúng tôi bàn bạc trực tiếp với Mỹ" – ông Trudeau khẳng định hôm 13-6.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: NDTV
Các đảng phái đối lập cáo buộc chính quyền ông Trudeau phê duyệt nhanh chóng thương vụ Norsat để đổi lấy sự ủng hộ của Trung Quốc trong bối cảnh Ottawa mong muốn mở rộng thương mại với Bắc Kinh. Các đảng này kêu gọi tiếp tục xem xét các rủi ro an ninh khi chuyển giao các công nghệ của Norsat ra ngoài Canada.
Hôm 12-6, người đứng đầu Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc cho hay "việc Canada phê duyệt bán Norsat cho một công ty Trung Quốc khiến Mỹ cực kỳ quan ngại về mặt an ninh quốc gia vì Norsat là một nhà cung cấp của quân đội Mỹ".
Vị này cũng khẳng định rằng Canada không nên đặt an ninh của đồng minh vào tình trạng rủi ro vì thương vụ Norsat. Theo AP và Fox News, khách hàng của Norsat bao gồm quân đội Mỹ, Ireland, Scandinavia và Đài Loan, NATO, hãng sản xuất máy bay Boeing và hãng tin Reuters.
Bình luận (0)