Các cường quốc thế giới đồng thanh kêu gọi ông Muammar Gaddafi từ chức với tư cách là nhà lãnh đạo Libya tại hội nghị ở London hôm 29-3. Một số nước thậm chí còn nói bóng gió về “cái chết” của ông ấy trong các cuộc gặp bí mật.
Theo hãng tin AP, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và người đồng nhiệm Anh William Hague đã dẫn dắt các cuộc thảo luận về tình hình khủng hoảng Libya tại một hội nghị quy tụ 40 quốc gia và tổ chức nhằm tìm kiếm một kết cục khả quan nhằm chấm dứt các cuộc tấn công đẫm máu của quân chính phủ chống nhân dân Libya. Mặc dù các cuộc không kích do NATO dẫn đầu nhắm vào lực lượng của ông Gaddafi không nhằm lật đổ ông ấy, hàng chục nước đã đồng ý trong các cuộc đối thoại rằng tương lai Libya sẽ không có ông Gaddafi trong vai trò lãnh đạo.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến số 10 phố Downing với Ngoại trưởng Anh William Hague để gặp Thủ tướng David Cameron. Ảnh: AP
“Ông Gaddafi đã mất tính hợp pháp để lãnh đạo, vì thế chúng tôi nghĩ ông ấy phải ra đi. Chúng tôi đang hợp tác với cộng đồng quốc tế để có được kết quả đó”- bà Clinton nói với các nhà báo. Khi bà Clinton phát biểu điều đó, các quan chức Mỹ thông báo rằng tàu chiến và tàu ngầm Mỹ ở Địa Trung Hải đã bắn tên lửa hành trình vào những vị trí đặt tên lửa Libya ở khu vực Tripoli vào cuối ngày thứ hai và đầu thứ ba vừa qua. Đây là cuộc tấn công dữ dội nhất trong nhiều ngày.
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle phụ họa ý kiến của bà Clinton: “Một điều quá hiển nhiên và phải được làm rõ đối với ông Gaddafi: Thời của ông ấy đã hết. Ông ấy phải ra đi. Chúng ta phải xóa bỏ ảo tưởng của ông ấy rằng có một con đường quay lại quyền lực nếu ông ấy tìm cách bám vào nó”.
Cả bà Clinton và các đại diện phe đối lập ở Libya - những người tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị London - thừa nhận có ít dấu hiệu cho thấy ông Gaddafi chú ý những yêu cầu đối với ông. Chưa có bình luận nào từ phía Nga, nước đã bỏ phiếu trắng tại cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc cho phép tiến hành các cuộc không kích Libya bắt đầu ngày 19-3.
Các nhà ngoại giao đã bác bỏ khả năng ông Gaddafi có thể được hưởng quyền miễn trừ nhưng nói việc tìm một nơi ẩn tránh cho ông ấy đang được xúc tiến. Ngoại trưởng Ý Franco Frattini cho biết các cuộc dàn xếp về việc bảo đảm an ninh cho sự ra đi của ông Gaddafi đang được chỉ đạo với sự “thận trọng tuyệt đối”. Ông Frattini nói: “Điều tuyệt đối cần thiết là phải có những nước sẵn lòng chào đón ông Gaddafi và gia đình ông để kết thúc tình trạng này”.
Nhưng nhà ngoại giao Ý khẳng định không có chọn lựa miễn trừ cho ông Gaddafi và “chúng tôi không thể hứa với ông ấy một “giấy thông hành an toàn”. Giữa lúc này, Ngoại trưởng Libya Moussa Kusa đã bay sang Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không có tin tức nói rõ liệu chuyến đi chớp nhoáng này có mối liên hệ với các cuộc mật đàm hay không.
Ngoại trưởng Anh Hague nói cuộc gặp thượng đỉnh hôm thứ ba đã tạo ra một thời cơ quan trọng để thảo luận tương lai của Libya không có ông Gaddafi với Hội đồng Quốc gia Lâm thời đối lập, trong đó đại diện hội đồng này là Mahmoud Jibril đã có các cuộc gặp với ông Hague, bà Clinton, Thủ tướng Anh David Cameron và một số ngoại trưởng châu Âu.
Bình luận (0)