TT Nga nhấn mạnh: “APEC được thành lập trước hết để kích thích thương mại và đầu tư qua lại giữa các nước. Triết lý của diễn đàn này là ở chỗ dỡ bỏ các rào cản, khuyến khích tính công khai và cạnh tranh của các thị trường. Hội nghị Thượng đỉnh ở Vladivostok khẳng định các nền kinh tế APEC cam kết tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của thương mại tự do và hòa nhập”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Hội nghị APEC có những tín hiệu lạc quan. Ảnh: Newsru
Theo hãng tin RIA Novosti, các nhà lãnh đạo các nước APEC đã thông qua tuyên bố chung, trong đó khẳng định sự cam kết đấu tranh với tham nhũng, giảm bớt tình trạng mất cân đối bằng cách củng cố các hệ thống tài chính nhà nước, đồng thời kéo giảm mức dao động về giá cả và tăng mức độ an ninh lương thực. Các nhà lãnh đạo APEC cũng cho rằng cần thiết phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ thủ tục hải quan ở các nền kinh tế APEC.
Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về an ninh lương thực Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Tổng thống Philippines Benigno Aquino Phát biểu tại phiên họp về chủ đề an ninh lương thực và tăng trưởng sáng tạo trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh APEC hôm 9-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực cần được gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển quốc gia tổng thể, quá trình tái cơ cấu kinh tế cũng như việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ tịch nước khẳng định phát triển nông nghiệp và nông thôn chính là bước đột phá đầu tiên của công cuộc đổi mới và hiện tiếp tục là biện pháp hữu hiệu giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Chủ tịch nước đề nghị các thành viên APEC đẩy mạnh hợp tác với ASEAN, ASEAN+3, ba bên và Nam - Nam nhằm hỗ trợ thiết thực các nước đang phát triển trong bảo đảm an ninh lương thực. Tại phiên họp về tình hình kinh tế thế giới và kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ cần phải đổi mới lý thuyết và mô hình phát triển kinh tế cho phù hợp với tốc độ phát triển của khoa học - công nghệ và những chuyển dịch nhanh chóng trong tương quan lực lượng kinh tế quốc tế. Theo TTXVN, Chủ tịch nước đề nghị APEC chú trọng hơn vào việc hỗ trợ các nền kinh tế thành viên tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, đồng thời tiếp tục đóng góp thiết thực cho việc cải tổ cơ chế quản trị kinh tế - tài chính toàn cầu theo hướng công bằng, dân chủ và hiệu quả hơn, phát huy vai trò của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. * Bên lề hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc gặp gỡ song phương với Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Tổng thống Philippines Benigno Aquino. Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Vladivostok đến Astana, thăm cấp nhà nước Cộng hòa Kazakhstan. Một số cuộc gặp song phương đáng chú ý khác cũng tiếp tục diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC hôm 9-9. Hãng tin Kyodo đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có cuộc trao đổi 15 phút trong lúc chờ đợi phiên bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về vấn đề quần đảo tranh chấp và mối quan hệ song phương hiện nay. Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Thủ tướng Nhật Bản Noda sẽ có chuyến công du Moscow nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Thông báo trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo một ngày trước đó. Kyodo cho biết chuyến thăm nói trên sẽ diễn ra vào tháng 12 tới. Hoàng Phương |
Bình luận (0)