"Azerbaijan giờ đây đã bắt đầu mở các hoạt động quân sự quy mô lớn nhằm vào người dân ôn hoà ở Nagorno-Karabakh" – Đại sứ lưu động Armenia Edmon Marukyan viết trên mạng xã hội X (tên gọi mới của Twitter) – "Bây giờ đến lượt Mỹ xem xét những biện pháp nhằm ngăn chặn hành động của Azerbaija để bảo vệ dân thường đang khốn khổ trong khu vực".
Nhà ngoại giao của Armenia đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cùng lên án các hành động của Baku.
Một cuộc tấn công của Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh vào ngày 19-9-2023. Ảnh: Bộ Quốc phòng Azerbaijan
Lời kêu gọi của ông Edmon Marukyan diễn ra trong bối cảnh quân đội Azerbaijan hôm 19-9 tuyên bố mở "chiến dịch chống khủng bố" tại vùng ly khai Nagorno-Karabakh. Động thái diễn ra sau khi Azerbaijan cho biết 6 công dân nước này đã thiệt mạng do mìn trong hai sự việc riêng biệt và đổ lỗi cho "các nhóm vũ trang phi pháp người Armenia".
CNN dẫn lời giới chức Armenia cho biết các vụ tấn công bằng pháo, tên lửa và máy bay không người lái của quân đội Azerbaijan vào Nagorno-Karabakh đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, trong đó có 1 trẻ em và 80 trường hợp khác bị thương.
Armenia kêu gọi Mỹ can thiệp vào Nagorno-Karabakh
Bộ Quốc phòng Azerbaijan hôm 19-9 yêu cầu "quân đội Armenia rút hoàn toàn khỏi khu vực". Đáp lại, Bộ Ngoại giao Armenia khẳng định quân đội của họ còn đóng ở Nagorno-Karabakh.
Bình luận về lời kêu gọi "Mỹ can thiệp" của Đại sứ lưu động Armenia Edmon Marukyan, phía Nga yêu cầu các bên tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn năm 2020.
"Không nên có bất kỳ ngã rẽ nào" - RT dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov - "Cần có những nỗ lực cụ thể dựa trên khuôn khổ pháp lý, tạo cơ hội mang lại giải pháp hòa bình cho các bên liên quan".
Khói bốc lên từ một khu vực ở Nagorno-Karabakh hôm 19-9-2023. Ảnh: Bộ Quốc phòng Azerbaijan/AP
Nagorno-Karabakh tuyên bố độc lập khỏi Azerbaijan vào năm 1988 và từ đó được Yerevan hậu thuẫn. Baku mất quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh và các khu vực xung quanh vào đầu những năm 1990 nhưng tái kiểm soát một phần sau cuộc chiến 44 ngày vào năm 2020.
Nagorno-Karabakh vốn là nơi sinh sống của khoảng 120.000 người thiểu số Armenia nhưng được cộng đồng quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Đây là nguồn cơn giao tranh của hai nước láng giềng trong 3 thập kỷ qua.
Xung đột năm 2020 kết thúc bằng lệnh ngừng bắn do Moscow làm trung gian, trong đó bao gồm việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình gồm 2.000 người của Nga trong khu vực. Tuy nhiên, Armenia cho rằng Nga không sẵn lòng bảo vệ Armenia trước Azerbaijan dù 2 nước là đồng minh lâu năm.
Mấy tháng gần đây căng thẳng lại bùng lên sau khi Azerbaijan chặn hành lang Lachin từ tháng 12 năm ngoái, cắt đứt con đường duy nhất nối Nagorno-Karabakh với Armenia.
Bình luận (0)