Đài Al Jazeera cho biết Armenia đã ban bố tình trạng thiết quân luật, đồng thời huy động quân đội sau khi đụng độ với lực lượng của Azerbaijan về khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Hai bên đổ lỗi cho nhau khiến tình hình leo thang và đã có báo cáo về thương vong.
Armenia cáo buộc nước láng giềng Azerbaijan tấn công các khu định cư dân sự ở Nagorno-Karabakh - được quốc tế công nhận là một phần lãnh thổ của Azerbaijan nhưng hiện do Armenia kiểm soát, bao gồm cả thành phố chính Stepanakert.
Bộ Quốc phòng Armenia nói rằng họ đã "bắn rơi 2 máy bay trực thăng và 3 máy bay không người lái (UAV) của Azerbaijan để đáp trả một cuộc tấn công lúc 4 giờ 10 phút sáng 27-9 (giờ GMT)".
Lực lượng Armenia phá hủy phương tiện quân sự của Azerbaijan tại đường liên lạc hôm 27-9. Ảnh: AP
Một chiếc xe tăng của Azerbaijan bị phá hủy. Ảnh: AP
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Azerbaijan khẳng định họ "mở cuộc phản công để ngăn chặn hoạt động quân sự của Armenia cũng như đảm bảo an toàn cho người dân". Lực lượng Azerbaijan đã triển khai xe tăng, pháo binh, phương tiện chiến đấu trên không và UAV. Bộ này xác nhận một máy bay trực thăng của Azerbaijan bị bắn rơi nhưng phi hành đoàn vẫn sống sót.
Giao tranh nổ ra giữa Armenia và Azerbaijan tại vùng Nagorno-Karabakh hôm 27-9 sau khi quân đội hai bên đụng độ
Phát ngôn viên của Tổng thống Azerbaijan, Hikmet Hajiyev, thông báo đã ghi nhận một số trường hợp thiệt mạng và bị thương về phía dân thường và quân nhân sau các cuộc đụng độ.
Trong một tuyên bố trên Facebook, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho hay nước này quyết định ban bố tình trạng thiết quân luật và tổng động viên, đồng thời yêu cầu người dân sẵn sàng bảo vệ quê hương.
Trong khi đó, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cũng xác nhận những tổn thất của lực lượng Azerbaijan và dân thường. Ông Aliyev cảnh báo những ai sử dụng chiến thuật đe dọa chống lại Azerbaijan sẽ phải hối hận và nhấn mạnh Nagorno-Karabakh thuộc về Azerbaijan.
Tại Nagorno-Karabakh, tình trạng thiết quân luật và lệnh tổng động viên cũng được ban bố. Theo thanh tra Artak Begamplean, đã có thương vong về phía dân sự. Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Armenia nói ít nhất một phụ nữ và một đứa trẻ Armenia thiệt mạng ở Nagorno-Karabakh.
Người Armenia trong khu vực tuyên bố độc lập vào năm 1991, sau đó phát động cuộc chiến khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Bất chấp lệnh ngừng bắn được ký kết vào năm 1994, Azerbaijan và Armenia thường xuyên cáo buộc nhau về các cuộc tấn công xung quanh vùng Nagorno-Karabakh và dọc biên giới Azerbaijan - Armenia.
Bộ Ngoại giao Nga hôm 27-9 kêu gọi hai bên ngừng bắn ngay lập tức và ngồi vào bàn đàm phán để ổn định tình hình. Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Ibrahim Kalin, viết trên Twitter: "Armenia đã vi phạm lệnh ngừng bắn bằng cách tấn công các khu định cư dân sự. Cộng đồng quốc tế phải đề nghị họ dừng hành động khiêu khích nguy hiểm này".
Bình luận (0)