Ngày 14-12 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Brussels - Bỉ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cùng Lãnh đạo Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU.
Hướng tới tương lai, hai bên nhất trí cần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược thành lập năm 2020 trên cơ sở đề cao luật pháp quốc tế, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi, thúc đẩy phục hồi, phát triển xanh và bền vững.
Các lãnh đạo khẳng định sẽ chú trọng đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, ổn định chuỗi cung ứng, duy trì mục tiêu thiết lập Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - EU; hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng...
EU công bố đóng góp 10 tỉ euro hỗ trợ triển khai chiến lược Cửa ngõ toàn cầu thông qua các dự án hợp tác, khởi động Sáng kiến Nhóm châu Âu về kết nối bền vững tại ASEAN, đồng thời triển khai chương trình Sáng kiến Xanh trị giá 30 triệu euro hỗ trợ các dự án hợp tác cụ thể với ASEAN.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh hai bên cần kiên trì với mục tiêu, đổi mới tư duy, hành động kiên quyết, thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược phát triển cân bằng, bình đẳng, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn đồng hành với doanh nghiệp EU đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời cũng đề nghị EU khẩn trương gỡ bỏ "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam và sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU Ảnh: Nhật Bắc
Nhấn mạnh cách tiếp cận toàn cầu ứng phó các thách thức toàn cầu, Thủ tướng nhắc lại cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững. Thủ tướng đề nghị EU hỗ trợ tối đa về tài chính và công nghệ trong khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng; trông đợi EU chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, công nghệ mới xanh, sạch và rẻ, và tham gia sâu rộng hợp tác đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…, hợp tác với ASEAN phát triển tiểu vùng và Mê Kông.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung phản ánh những kết quả đạt được trong 45 năm qua và đề ra định hướng tương lai.
Trong khuôn khổ các hoạt động dịp hội nghị, chiều 14-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Tổng thống Romania Klaus Iohannis.
Thủ tướng đề nghị hai bên nghiên cứu tận dụng linh hoạt các hình thức vận tải hàng không, đường sắt, đường biển để tối ưu hóa chi phí và thời gian vận chuyển các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh như thủy hải sản, nông sản của Việt Nam cũng như thực phẩm, đồ gia dụng, đồ gỗ của Romania; đồng thời tiếp tục thúc đẩy hợp tác giáo dục và các lĩnh vực khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có cuộc gặp với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa, Thủ tướng Czech Petr Fiala, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Thủ tướng Hy Lạp Kyriákos Mitsotákis, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda…
Ngày 15-12 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi ăn sáng - làm việc với ông Willy Borsus, Phó Thủ hiến, Bộ trưởng Kinh tế, Ngoại thương, Quy hoạch không gian và Nông nghiệp vùng Wallonie, cùng một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Bỉ…
Hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi xanh
Ngày 14-12, các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Nhóm Đối tác quốc tế (IPG, bao gồm EU, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch) đã thống nhất một chương trình Quan hệ Đối tác về Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Chương trình JETP ban đầu sẽ huy động 15,5 tỉ USD từ nguồn tài chính công và tư nhân trong vòng 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam. Trong vòng 12 tháng tới, Việt Nam sẽ làm việc với các nước đối tác để xây dựng và thông qua kế hoạch huy động nguồn lực của JETP Việt Nam. Kế hoạch này sẽ tạo điều kiện thực hiện tài trợ và chiến lược của JETP.
Bình luận (0)