ASEAN vẫn thống nhất
Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong (phải) tiếp người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa hôm 19-7. Ảnh: Reuters
Trước khi đến Campuchia, ông Natalegawa đã lần lượt thăm Philippines và Việt Nam, những nước có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông. Ngoại trưởng Indonesia cho biết ông đã nhận được sự ủng hộ trực tiếp đối với những nỗ lực của Indonesia để tiến tới thống nhất lập trường của ASEAN về vấn đề biển Đông.
Nỗ lực trên của Indonesia diễn ra sau khi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN mới đây không thể đưa ra tuyên bố chung do có những bất đồng về vấn đề biển Đông, làm dấy lên những nhận định rằng nội bộ khối đang chia rẽ. Ngoại trưởng Natalegawa đã lên tiếng bác bỏ suy nghĩ này khi khẳng định ASEAN thực tế vẫn thống nhất
Trung Quốc có nguy cơ bị cô lập
Nhận định về tình hình biển Đông hiện nay, ông Greg Poling, nhà phân tích của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Mỹ, cảnh báo rằng Trung Quốc có nguy cơ đối mặt với sự cô lập trong cộng đồng quốc tế nếu tấn công những nước có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này.
Ông Poling nói với website ABS-CBNNews.com (Philippines): “Đứng trên lập trường của Trung Quốc, Bắc Kinh biết rằng mình có thể dễ dàng đánh chiếm bất kỳ khu vực tranh chấp nào ở biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể làm điều này mà không gây ra tổn hại rộng khắp đối với những lợi ích của mình ở nước ngoài. Trong tình huống như thế, Trung Quốc sẽ bị xem là một kẻ xâm lược, vi phạm những nghĩa vụ mà nước này cam kết khi tham gia các hiệp ước đa phương và song phương. Khi đó, những hy vọng về việc Trung Quốc được xem là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế hoặc một cường quốc mới nổi sẽ không còn nữa… Trung Quốc sẽ cảm thấy mình bị cô lập khi Mỹ cùng với các đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu lo ngại về những hành vi xâm lược tiếp theo của nước này”.
“Tam Sa là nỗi ô nhục của Trung Quốc”
Trong bài viết “Lập thành phố Tam Sa hay trò hề quốc tế: Cần dẹp bỏ ngay!” ngày 29-6, ông Chu viết: “Nhiều người Trung Quốc đến giờ vẫn không hiểu tại sao lần đầu tiên Nga tham gia tập trận hải quân RIMPAC 2012 do Mỹ chủ trì. Thực ra, đó chính là sự phản ứng mạnh mẽ của quốc tế trước động thái lập thành phố Tam Sa, vốn đi ngược lại luật pháp quốc tế và thể hiện sự vô trách nhiệm của Trung Quốc”. Đến ngày 17-7, ông Chu viết tiếp bài “Hiện trạng biển Đông có lẽ sẽ kéo lùi cải cách chính trị của Trung Quốc”. “Ý nghĩa lớn nhất của việc lập ra thành phố Tam Sa là phô bày nỗi ô nhục của Trung Quốc, buộc chính phủ và quân đội Trung Quốc phải “trở mặt” với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế... Từ nhỏ, người dân Trung Quốc đã quen với đường biên giới đứt đoạn màu hồng, ôm trọn toàn bộ biển Đông vào lãnh thổ Trung Quốc. Thế nhưng, đến nay, chúng ta mới biết đường biên giới quốc gia ấy không được các nước láng giềng và quốc tế công nhận”. “Nếu lãnh đạo Trung Quốc vẫn không hiểu được “thứ ngôn ngữ quốc tế chung đó” thì sẽ kéo nhân dân Trung Quốc sa vào cuộc chiến tranh không thể thoát ra” - ông Chu nhấn mạnh và kêu gọi “lập tức hủy bỏ thành phố Tam Sa, nhanh chóng triển khai đối thoại mang tính xây dựng với các nước xung quanh biển Đông, dốc sức cho việc làm dịu tình hình căng thẳng và loại bỏ nguy cơ chiến tranh, đưa Trung Quốc quay trở lại với đại gia đình quốc tế”.
Huệ Bình |
Bình luận (0)