Trong hơn nửa thế kỷ kể từ khi thành lập (năm 1967), Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một tổ chức thiên về trao đổi thương mại tương đối "lặng lẽ".
Tuy nhiên, theo ông Joo-ok Lee, người đứng đầu Chương trình nghị sự khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy nhiều đổi thay quan trọng.
Theo đó, hầu như không có tháng nào trong năm 2022 mà ASEAN không xuất hiện trên tin tức toàn cầu. Bởi lẽ, chỉ riêng năm ngoái, tổ chức này đã đăng cai đến 3 hội nghị thượng đỉnh toàn cầu - Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Campuchia, Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở ASEAN và Hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Thái Lan.
Từ ngày 16 đến 20-1 sắp tới, hội nghị thường niên của WEF cũng diễn ra ở Singapore.
Xét về mặt kinh tế, theo chuyên gia Joo-ok Lee, ASEAN đang là một trong số ít điểm sáng hiếm hoi trên thế giới. Khu vực này đạt tăng trưởng kinh tế mạnh trong năm 2022 nhờ vào khôi phục hoạt động hậu đại dịch COVID-19.
Một sự kiện tại Thượng đỉnh G20 ở Indonesia hồi năm 2022 Ảnh: REUTERS
Ngoài những lợi thế truyền thống như tổng diện tích lớn, nguồn tài nguyên và quy mô dân số dồi dào (xấp xỉ 680 triệu dân), ASEAN đang có một thế mạnh quan trọng nhờ vào dân số trẻ và ngày càng có trình độ cao.
Nhóm dân số này định hình sẵn tư duy làm kinh tế cộng với nguồn lực lớn mạnh để đầu tư vào kinh doanh, từ đó tạo ra một thị trường khu vực sôi động. Du lịch tạo nên một sức bật khác, nhất là khi du lịch thế giới trên đà hồi phục vào năm 2023.
Dù tăng trưởng đang chậm lại và chịu một số ảnh hưởng từ tình hình thế giới - Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu còn 2,7% và dự báo khoảng 1/3 số nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay, song dự báo tổng thể năm 2023 đối với nhóm ASEAN-6 (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) vẫn lạc quan, với mức tăng trưởng khoảng 4,4%.
Một trong các giải pháp hữu hiệu với ASEAN chính là phối hợp các hiệp định thương mại tự do để tạo lợi ích kinh tế cho toàn khối.
Với tư cách là một khối kinh tế, ASEAN đang nằm trong nhóm phát triển nhanh nhất, chiếm gần 8% xuất khẩu toàn cầu. ASEAN hiện là trung tâm của 2 khu vực thương mại tự do (FTA) lớn - một là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đặc biệt, theo chuyên gia Lee, ASEAN đang trên đường đến vị thế dẫn đầu kỷ nguyên số sắp tới. Dù gây ra nhiều thiệt hại song COVID-19 phần nào đó lại tiếp sức cho tiến trình chuyển đổi số nhanh chóng trong khu vực - với 60 triệu người trở thành người tiêu dùng trực tuyến trong đại dịch, theo Báo cáo Thế hệ số ASEAN - từ đó tái định hình gần như mọi lĩnh vực của đời sống, bao gồm cách thức kinh doanh. Chẳng hạn, Philippines và Malaysia thuộc nhóm các nước có tăng trưởng bán lẻ điện tử cao nhất thế giới, lần lượt 25% và 23%.
Bên cạnh những thuận lợi, một trong số thách thức lớn nhất mà khu vực này phải đối mặt chính là biến đổi khí hậu. Trong khi Indonesia và Philippines nơm nớp lo sợ tình trạng nước biển dâng thì nhiều quốc gia thành viên ASEAN khác cũng hứng chịu nhiều thảm họa lũ lụt.
Làm sao để chặn đà tăng của lượng khí nhà kính phát thải cũng là vấn đề quan trọng khác và Việt Nam được đánh giá là đang đi đầu trong việc chuyển sang năng lượng tái tạo.
Bình luận (0)