Sáng 18-11, tại thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 với chủ đề ASEAN: Một cộng đồng, một vận mệnh, mở đầu cho một loạt hội nghị cấp cao của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác diễn ra từ ngày 18 đến 20-11. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị.
ASEAN nỗ lực không ngừng
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Hun Sen đánh giá cao các kết quả quan trọng trong hợp tác ASEAN thời gian qua, đồng thời đề xuất các trọng tâm và ưu tiên tại các hội nghị lần này dưới chủ đề của năm nay là ASEAN: Một cộng đồng, một vận mệnh, bao gồm: Triển khai hiệu quả lộ trình xây dựng cộng đồng, kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, thực hiện tốt các thỏa thuận về liên kết kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển; thúc đẩy thực hiện hiến chương và các khuôn khổ pháp lý kèm theo, trong đó có Nghị định thư của Hiến chương ASEAN về cơ chế giải quyết tranh chấp; nâng cao “văn hóa thực thi” trong ASEAN; bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực, trong đó có triển khai hiệu quả kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC), Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)... bảo đảm vai trò trung tâm của hiệp hội trong cấu trúc khu vực đang định hình, đi đôi với tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác vì các mục tiêu chung của khu vực; thúc đẩy cơ chế phối hợp trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác để ứng phó với các thách thức ở khu vực. Trước đó, ngày 17-11, Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho biết các nước ASEAN sẽ đề xuất thiết lập một “đường dây nóng” với Trung Quốc nhằm giải tỏa căng thẳng liên quan đến biển Đông.
Theo TTXVN, Thủ tướng Hun Sen khẳng định đây chính là kết quả từ những nỗ lực không ngừng của hiệp hội nói chung và các nước thành viên nói riêng cùng nhau phấn đấu xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh, gắn kết và liên kết chặt chẽ.
Tại lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo ASEAN đã chính thức công bố thành lập Viện Nghiên cứu Hòa bình và Hòa giải ASEAN (AIPR) nhằm thúc đẩy hợp tác trong ASEAN về giải quyết hòa bình tranh chấp, cũng như trong lĩnh vực chính trị - an ninh nói chung.
Thứ trưởng Lê Lương Minh làm Tổng Thư ký ASEAN
Sau lễ khai mạc, lãnh đạo các nước ASEAN đã tiến hành phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN-21 bàn về các vấn đề trọng tâm và ưu tiên của hiệp hội, bao gồm: xây dựng cộng đồng, triển khai kết nối, tăng cường liên kết khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển… Tại phiên họp này, lãnh đạo các nước ASEAN đã chính thức phê duyệt và bổ nhiệm đề cử nhân sự của Việt Nam - Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh - vào cương vị Tổng Thư ký ASEAN với nhiệm kỳ sẽ bắt đầu từ năm 2013 đến năm 2017.
Tại phiên họp toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh thời gian qua, ASEAN đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong xây dựng cộng đồng, nhất là việc hình thành trụ cột Cộng đồng Kinh tế (AEC) đạt trên 70% chỉ tiêu đề ra. ASEAN cũng đang tích cực thực hiện các trọng tâm, ưu tiên đề ra trong Tuyên bố Phnom Penh “Một cộng đồng, một vận mệnh” và “Chương trình nghị sự Phnom Penh” thông qua tại Cấp cao ASEAN-20. Với nỗ lực cùng nhau, mục tiêu hướng tới một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 đang dần hiện hữu; tuy nhiên, trước mắt công việc còn nhiều, thách thức còn lớn.
Thông qua tuyên bố nhân quyền Chiều 18-11, lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN đã tiến hành phiên họp kín Hội nghị Cấp cao ASEAN-21 và thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN. Tuyên bố không ràng buộc về pháp lý này kêu gọi chấm dứt tra tấn, bắt bớ tùy tiện và những vi phạm quyền con người khác vốn gây quan ngại từ lâu ở Đông Nam Á. Các nhà ngoại giao ASEAN gọi tuyên bố là cột mốc lịch sử trong khu vực cho dù nó chưa hoàn chỉnh. Họ cho rằng tuyên bố sẽ giúp tăng cường cải cách dân chủ ở một số quốc gia. Nhà ngoại giao cao cấp nhất của Myanmar, Wunna Maung Lwin, nói với hãng tin AP rằng đất nước ông hoan nghênh tuyên bố và sẽ tuân thủ nó. Các nhà lãnh đạo ASEAN cam kết đề cao và bảo vệ quyền con người, cùng với “dân chủ, pháp quyền và cai quản hiệu quả” trong một tuyên bố chung họ đã ký để chấp nhận tuyên bố nhân quyền. Nhưng các điều khoản trong tuyên bố ghi rõ các quyền có thể bị giới hạn vì các lý do an ninh, trật tự công cộng và đạo đức... |
Bình luận (0)