Tân Hoa Xã dẫn phát biểu của ông Ôn Gia Bảo cam đoan: “Trung Quốc và ASEAN đủ khôn ngoan và năng lực để giải quyết các vấn đề, trong đó có tranh chấp chủ quyền trên biển, mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài”.
Trong tuyên bố chung sau hội nghị, cả hai bên đồng thuận sẽ tiếp tục hóa giải tranh chấp một cách hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, phía Trung Quốc nhấn mạnh phải giải quyết thông qua “tham vấn và đàm phán giữa các nước có liên quan trực tiếp”.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo tại hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc ngày 19-11. Ảnh: Tân Hoa Xã
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói với báo giới rằng phát biểu của Thủ tướng Ôn Gia Bảo dựa trên Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) do ASEAN và Trung Quốc ký năm 2002, trong đó giới hạn các cuộc đàm phán ở mức “những nước trực tiếp liên quan". Ông Ôn Gia Bảo còn nói một trong số các nguyên tắc của DOC là "phản đối quốc tế hóa vấn đề này".
Trong khi đó, hãng tin Kyodo cho biết ASEAN và Trung Quốc ngày 19-11 đã không thể nhất trí khởi động cuộc đàm phán chính thức về bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Theo các nguồn tin ngoại giao, Thủ tướng Trung Quốc đã không đề cập đến lời kêu gọi của ASEAN sớm mở cuộc đàm phán chính thức về COC trong hội nghị cấp cao ASEAN – Trung Quốc.
Cũng theo Kyodo, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến Campuchia ngày 19-11 để tham dự hội nghị cấp cao Đông Á. Ông Obama đã bày tỏ sự sẵn lòng ủng hộ ASEAN trong việc đàm phán với Trung Quốc xung quanh các tranh chấp trên biển Đông. “Washington muốn hỗ trợ ASEAN trong vấn đề biển Đông vì điều này có lợi cho tất cả các bên” – Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nói với phóng viên sau hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ diễn ra ngày 19-11.
Ngoài Mỹ, các nước lớn khác cũng quan tâm rất nhiều đến tình hình biển Đông. Do đó, dự đoán vấn đề này sẽ làm nóng Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) diễn ra ngày 20-11 ở Phnom Penh.
Cụ thể, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông vì biển Đông đang là "mối quan tâm chung của thế giới”. Còn Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Ranjan Mathai khẳng định New Delhi ủng hộ xây dựng COC giữa ASEAN và Trung Quốc để biển Đông trở thành một khu vực hợp tác.
Bình luận (0)