Thông tin này được Bộ Ngoại giao và Thương mại Brunei xác nhận trong một cuộc họp báo tại thủ đô Bandar Seri Begawan hôm 3-1.
Cơ quan này tuyên bố Brunei rất mong muốn đạt được một bộ quy tắc ứng xử giữa các bên tranh chấp tại biển Đông (DOC). Bộ quy tắc này, vốn bị trì hoãn lâu nay, được xem như là một phương cách tốt để giảm thiểu nguy cơ xung đột vũ trang trong khu vực.
Theo The Brunei Times, các quan chức ngoại giao Brunei nói rằng chủ tịch ASEAN năm nay sẽ tham vấn chặt chẽ các “cường quốc” và các đối tác đối thoại trong suốt nhiệm kỳ của mình. Dự kiến, hai kỳ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN năm nay sẽ diễn ra lần đầu trong hai ngày 24 và 25-4 và lần thứ hai vào ngày 9 đến 10-10 tại thủ đô Bandar Seri Begawan.
Tìm giải pháp chính trị cho cuộc tranh chấp chủ quyền đang diễn ra ở biển Đông
là ưu tiên hàng đầu của Brunei. Ảnh: SINA
Trung Quốc đơn phương đòi hỏi chủ quyền trên gần như toàn bộ vùng biển được cho là có trữ lượng dầu khí dồi dào, đồng thời là nơi có những tuyến hàng hải quan trọng. Yêu sách của Trung Quốc đi ngược lại công ước quốc tế về luật biển 1982 và vấp phải phản đối của các nước láng giềng.
Trong một diễn biến khác, báo China Times đưa tin Trung Quốc đã đưa tàu chiến mới và mạnh nhất của họ là Liễu Châu loại 054A ra biển Đông. Hồi cuối năm 2012, Trung Quốc cũng đưa tàu tuần tra đại dương lớn Hải tuần 21 có trang bị bãi đáp trực thăng ra biển Đông.
Liên quan đến quy định lục soát tàu thuyền gây tranh cãi của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định lực lượng hải giám Trung Quốc chỉ kiểm soát hải phận 12 hải lý quanh đảo Hải Nam như từ trước tới nay.
Bình luận (0)