Ngày 26-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN lần thứ 38, 39; các Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 22; ASEAN - Trung Quốc lần thứ 24; Mê Kông - Hàn Quốc lần thứ 3.
Việt Nam đề xuất 2 trọng tâm
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38, lãnh đạo các nước đã trao đổi về các nỗ lực xây dựng cộng đồng và ứng phó với dịch Covid-19.
Các lãnh đạo ghi nhận những tiến triển đạt được trong triển khai các sáng kiến ứng phó dịch Covid-19, trong đó có kế hoạch sử dụng 10,5 triệu USD từ Quỹ ASEAN ứng phó dịch Covid-19 để mua vắc-xin cho các nước thành viên và phấn đấu có lô vắc-xin đầu tiên trong quý IV/2021 hoặc quý I/2022.
Ghi nhận tiến triển tích cực trong triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN, các nước nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy triển khai các sáng kiến, đồng thời chú trọng tận dụng đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số làm đòn bẩy phục hồi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN lần thứ 38, 39 và các hội nghị cấp cao liên quan ngày 26-10. Ảnh: NGUYỄN HỒNG
Các lãnh đạo đã nhất trí thông qua Khung thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN (ATCAF) nhằm tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu trong khu vực, tích cực xem xét khả năng công nhận lẫn nhau và áp dụng giấy chứng nhận tiêm vắc-xin điện tử cho người dân.
Các lãnh đạo cũng thông qua và công bố nhiều văn kiện quan trọng khác: Sáng kiến tổng thể kết nối các sáng kiến ASEAN về ứng phó với thảm họa và các tình huống khẩn cấp; các tuyên bố về đề cao chủ nghĩa đa phương, kinh tế biển xanh, biến đổi khí hậu; lộ trình, chiến lược hợp nhất về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho ASEAN...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 2 trọng tâm mà ASEAN cần tập trung trong thời gian tới.
Thứ nhất, ASEAN cần có cách tiếp cận tổng thể, đồng bộ, linh hoạt về kiểm soát đại dịch Covid-19 với sự tham gia của "cả cộng đồng", hướng đến người dân, doanh nghiệp là trung tâm và chủ thể, tích cực tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch bệnh trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Thứ hai, ASEAN cần định vị chỗ đứng mới trong tương quan các mối quan hệ kinh tế - chính trị đang tái định hình của thế giới.
Phát huy vai trò trung tâm
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 39, các lãnh đạo đã trao đổi về quan hệ giữa ASEAN với các đối tác và các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Bày tỏ quan ngại về diễn biến tình hình trên biển Đông, trong đó có các hoạt động đơn phương làm gia tăng căng thẳng, suy giảm lòng tin, hủy hoại môi trường biển, các lãnh đạo tái khẳng định sự cần thiết phải tăng cường xây dựng lòng tin và tin cậy lẫn nhau; kiềm chế và không làm phức tạp tình hình; duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông.
Các nước nhấn mạnh lập trường về việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Hội nghị cũng khẳng định lại tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), hoan nghênh việc nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Các nước nhấn mạnh sự cần thiết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC và tiếp tục nỗ lực hướng tới COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các nước ASEAN cần có tiếng nói thống nhất, phát huy vai trò trung tâm và uy tín của ASEAN. ASEAN cần thể hiện bản lĩnh và vai trò tự chủ trong duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên biển Đông.
Khẳng định kiên trì lập trường nguyên tắc về biển Đông, Thủ tướng nhấn mạnh các nước cần thúc đẩy mạnh mẽ cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế, hành xử trách nhiệm, kiềm chế, không có hành động gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình, hợp tác xây dựng trên các vấn đề thuộc lợi ích chung như bảo tồn môi trường biển, khắc phục tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, hỗ trợ nhân đạo cho ngư dân và người đi biển... thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, thúc đẩy sớm hoàn thành COC với nỗ lực cao nhất của các bên, phấn đấu cùng Trung Quốc đạt COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982...
Tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ Myanmar
Myanmar không cử đại diện tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN ngày 26-10 sau khi ASEAN quyết định không mời lãnh đạo chính quyền quân sự nước này. Trước đó, ASEAN thông báo sẽ cho phép đại diện phi chính trị của Myanmar tham gia hội nghị song chính quyền quân sự nước này tuyên bố chỉ đồng ý để lãnh đạo hoặc bộ trưởng tham dự.
Trước những diễn biến phức tạp tại Myanmar, các lãnh đạo nhất trí cần tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ Myanmar, thành viên trong gia đình ASEAN, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Các lãnh đạo khẳng định đoàn kết chính là chìa khóa để ASEAN và Myanmar có thể tìm ra giải pháp hữu hiệu cho những phức tạp hiện nay. Các nước đề nghị cần triển khai kịp thời và đầy đủ Đồng thuận 5 điểm đã được Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN tháng 4-2021 nhất trí. Các nhà lãnh đạo hoan nghênh các hoạt động hỗ trợ nhân đạo của ASEAN dành cho người dân Myanmar đã được tích cực triển khai.
Cũng trong ngày 26-10, Tổng thống Joe Biden trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên trong 4 năm trở lại đây tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ. Xuyên suốt cuộc họp trực tuyến này, theo Reuters, Tổng thống Joe Biden tái khẳng định cam kết "bền vững" của Washington đối với vai trò trung tâm của ASEAN ở các vấn đề trong khu vực. Bên cạnh đó, Tổng thống Joe Biden còn thảo luận những sáng kiến mới nhằm củng cố quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN trong bối cảnh hai bên hợp tác đối phó đại dịch Covid-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cùng hàng loạt thách thức khác.
Cao Lực
Bình luận (0)