Các chuyên gia hàng hải hôm 15-5 khẳng định tiến trình đàm phán COC giữa Trung Quốc và ASEAN đang bị ảnh hưởng nặng bởi những hành động hung hăng gần đây của Bắc Kinh trên biển Đông, cũng như bởi đại dịch Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra.
Tại buổi trao đổi trực tuyến về tình hình biển Đông có tựa đề "Sailing a Course through Contested Waters" do Đại sứ quán Mỹ tại Philippines tổ chức, Viện trưởng Viện biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV), ông Nguyễn Hùng Sơn, cho biết quá trình đàm phán tính đến thời điểm hiện tại đã bị trì hoãn 6 tháng và mục tiêu chốt COC trước năm 2021 dường như ngày một khó khăn hơn.
"Bây giờ, mọi chuyện càng trở nên mờ mịt hơn vì những gì đang xảy ra trên biển Đông" - ông Sơn khẳng định, đồng thời nói rằng Bắc Kinh đang lợi dụng tình hình Covid-19 để đẩy mạnh hoạt động không chỉ riêng tại biển Đông mà còn nhiều khu vực khác trên toàn thế giới, kể cả châu Âu. Theo ông Sơn, điều này phản ánh quan điểm của một số quan chức Trung Quốc rằng Covid-19 chính là "thời cơ chiến lược" để đạt được các lợi ích riêng.
Mặc dù tiến trình đàm phán đang bị ảnh hưởng, chuyên gia hàng hải Sumathy Permal của Viện Nghiên cứu hàng hải Malaysia (MIMA) nhấn mạnh ASEAN và Trung Quốc cần bảo đảm rằng các cuộc đàm phán vẫn sẽ tiếp tục. Theo bà Permal, ASEAN cần chung tay giải quyết tranh chấp, tiến tới các thỏa thuận bảo vệ hàng hải trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật Biển (IMLOS) của Trường ĐH Philippines, bày tỏ sự lo ngại khi khẳng định quá trình đàm phán COC có thể được nối lại nhưng vẫn sẽ rơi vào bế tắc nếu Bắc Kinh tiếp tục hoạt động bành trướng.
Tàu chiến Mỹ đi gần tàu khoan thăm dò West Capella, do Công ty Dầu khí Petronas (Malaysia) vận hành trên biển Đông Ảnh: Hải quân Mỹ
"Các bên có thể sẽ không cởi mở hoặc hợp tác như trước, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến hoạt động thăm dò, đánh cá và đụng độ quân sự. Mọi sự kiện trong những tháng gần đây sẽ khiến các nhà ngoại giao lo ngại khi quyết định nối lại đàm phán" - ông Batongbacal giải thích.
Trong thời gian qua, Trung Quốc thường xuyên bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì hàng loạt hành động gây hấn trên biển Đông, trong đó có chĩa súng radar vào tàu Hải quân Philippines, tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam và ngang ngược đòi quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam thông qua cái gọi là huyện đảo Tây Sa và Nam Sa. Những sự kiện này diễn ra giữa lúc các chính phủ đang tập trung đối phó đại dịch Covid-19.
Trung Quốc xem tranh chấp biển Đông là một vấn đề của riêng châu Á và luôn phản đối mọi động thái can thiệp từ nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Tuy nhiên, ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, trụ sở Washington - Mỹ), khẳng định nỗ lực đa phương vẫn là giải pháp để đối phó Trung Quốc.
Vị này hối thúc ASEAN hợp tác để biến Trung Quốc thành một "cổ đông có trách nhiệm", tiến hành các động thái bảo vệ môi trường biển ở biển Đông, cũng như bảo tồn nguồn lợi thủy sản tại vùng biển này.
Cũng theo ông Poling, biển Đông đang bị tàn phá nặng nề bởi các hoạt động bồi đắp, cải tạo đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc và nếu các nước không chung tay hành động, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều trước khi COC ra đời.
Trong khi đó, cảnh báo Bắc Kinh đang tiến đến giai đoạn kiểm soát độc quyền các nguồn tài nguyên biển Đông, ông Batongbacal kêu gọi ưu tiên bảo vệ hàng hải trong chiến lược đối phó với Trung Quốc. "Trước tiên, hãy tập trung vào khía cạnh môi trường. Đây là lợi ích chung. Mọi quốc gia đều chịu tổn thất nếu môi trường biển của biển Đông bị hủy hoại" - giám đốc IMLOS cảnh báo.
Thách thức hiện trạng trên biển
Quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc trong năm 2019 được cho là đang trên đường cải thiện. Dù vậy, sự hiện diện của tàu hải cảnh Trung Quốc tại vùng biển quanh quần đảo Senkaku (do Nhật Bản kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư) hiện nay lại nhiều hơn năm trước đó. Xu hướng này vẫn không có gì thay đổi hoặc thậm chí là còn được đẩy mạnh sau khi dịch Covid-19 khởi phát tại Trung Quốc vào cuối năm 2019 rồi lây lan đến các nước láng giềng.
Tại biển Đông, Trung Quốc đã có một loạt hành động đơn phương sai trái trong bối cảnh cộng đồng quốc tế vật lộn đối phó dịch Covid-19. Còn tại biển Hoa Đông, một số sự kiện đáng chú ý đã xảy ra trong tháng này. Trước tiên, 2 tàu hải cảnh Trung Quốc đã vào vùng biển Nhật Bản trong 2 ngày liên tiếp, 8 và 9-5, một điều ít thấy trong quá khứ. Một diễn biến khác thường nữa là tàu hải cảnh Trung Quốc đã đuổi theo một tàu cá Nhật Bản từ vùng tiếp giáp lãnh hải vào lãnh hải Nhật Bản. Theo ghi nhận của Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản, lần gần đây nhất, tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp cận và đuổi theo tàu cá Nhật Bản là vào năm 2013.
Tuy nhiên, viết trên tờ Sin Chew Daily (Malaysia), ông Shin Kawashima, chuyên gia Trường ĐH Tokyo (Nhật Bản), cho rằng Trung Quốc sẽ cần phải xem xét cẩn thận rằng liệu chính sách đối ngoại hung hăng theo sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 có đạt được những mục tiêu mong muốn hay không và nhận thức của các nước láng giềng về Bắc Kinh đã thay đổi thế nào.
Hoàng Phương
Bình luận (0)