Theo hãng thông tấn Philippines (PNA), ông Locsin cho biết Trung Quốc đã giảm bớt lập trường cứng rắn đối với một số điều khoản gây tranh cãi, trong đó có việc hạn chế sự hiện diện của lực lượng nước ngoài tại vùng biển chiến lược này.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines không đề cập những bước sẽ được thực hiện tiếp theo sau bản dự thảo COC đầu tiên này nhưng đánh giá đây là bước tiến trên con đường đi đến một COC hiệu quả trong vòng 3 năm.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. (phải) và cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd Ảnh: Viện Chính sách Xã hội châu Á
Trước đó, theo một số bản tin, Trung Quốc đã đề xuất thành lập một cơ chế thông báo về các hoạt động quân sự khi thấy cần thiết. Ngoài ra, Bắc Kinh còn tìm cách ngăn sự hiện diện quân sự của các quốc gia bên ngoài khu vực, "trừ khi các bên liên quan được thông báo trước và không phản đối".
Chuyên gia Julian Ku tại Trường ĐH Hofstra (Mỹ) cho rằng một COC mang tính ràng buộc về pháp lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc phản ánh cam kết của các bên đối với nội dung văn kiện này. Thêm vào đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của COC trong việc ngăn chặn nguy cơ xung đột ở biển Đông.
Trong khi đó, Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio kêu gọi các nước ASEAN bảo đảm rằng COC sẽ không thay thế cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Bình luận (0)