xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Âu lo bao trùm Washington

Hoàng Phương

Những gì xảy ra với sắc lệnh hạn chế nhập cư giúp ông Trump hiểu rõ hơn về những giới hạn của quyền lực tổng thống

Chính trường cũng như cả nước Mỹ đang rơi vào tâm trạng âu lo và không chắc chắn chỉ hơn 2 tuần sau khi ông Donald Trump lên nắm quyền.

“Sự hỗn loạn có kiểm soát”

Không ít thông báo về chính sách được Nhà Trắng liên tục công bố cho đến giờ. Trong số này, một số quyết sách có tác động sâu rộng, như sắc lệnh hạn chế nhập cư. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề nhanh chóng chìm vào quên lãng, như kế hoạch hành động giải quyết mối đe dọa trên mạng và mở cuộc điều tra cáo buộc gian lận bầu cử.

Trong một động thái nữa cho thấy sự khó đoán của chính quyền ông Trump, giới chức Mỹ hôm 4-2 nói với Reuters rằng họ không đưa vào một dự thảo sắc lệnh nội dung yêu cầu xem xét vấn đề mở cửa lại các nhà tù bí mật của Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) ở nước ngoài.

Hãng tin AP nhận định trong vai trò doanh nhân và ứng viên tổng thống, ông Trump sử dụng “sự hỗn loạn có kiểm soát” để khiến các đối thủ thất thế. Giờ đây, nhà lãnh đạo này dường như sử dụng lối tiếp cận tương tự trong việc lãnh đạo nền kinh tế hàng đầu thế giới. Chỉ có điều, như đài CNN chỉ ra, chính trường không phải là thương trường. Những gì xảy ra với sắc lệnh hạn chế nhập cư giúp ông Trump hiểu rõ hơn về những giới hạn của quyền lực tổng thống trong hệ thống kiểm tra và cân bằng ở Mỹ, khác hẳn với thứ quyền lực của một lãnh đạo doanh nghiệp mà ông từng có trong nhiều năm qua.

Trong diễn biến mới nhất cho thấy điều đó, Tòa Phúc thẩm khu vực số 9 tại TP San Francisco ngày 5-2 đã bác bỏ yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ, theo đó lập tức khôi phục hiệu lực sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của ông Trump. Tòa này cũng yêu cầu cả bang Washington và Bộ Tư pháp trình bày thêm lập luận củng cố yêu cầu của các bên trong ngày 6-2. Phán quyết mới của tòa phúc thẩm có nghĩa cuộc chiến pháp lý xoay quanh sắc lệnh sẽ khó kết thúc sớm, qua đó giáng thêm một đòn mạnh nữa vào tham vọng của ông Trump.

Trước đó một ngày, nhà lãnh đạo này tự tin nói với các phóng viên chính phủ sẽ lật ngược phán quyết của thẩm phán James Robart về việc tạm đình chỉ sắc lệnh trên toàn quốc. Trong lúc chờ cuộc chiến phân định thắng thua, Bộ An ninh Nội địa Mỹ hôm 4-2 cho biết không còn yêu cầu các hãng hàng không ngăn người có thị thực chịu ảnh hưởng bởi sắc lệnh lên máy bay đến nước này. Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày cũng cho biết tạm dừng thực thi lệnh hạn chế nhập cảnh.


Sắc lệnh hạn chế nhập cư của ông Trump vấp phải sự phản đối của nhiều người ở Mỹ. Ảnh: MLive.com

Sắc lệnh hạn chế nhập cư của ông Trump vấp phải sự phản đối của nhiều người ở Mỹ. Ảnh: MLive.com

Thiếu kỹ năng ngoại giao

Giới phân tích và phe chỉ trích cho rằng việc chính quyền ông Trump liên tiếp ban hành sắc lệnh cho thấy tân tổng thống Mỹ muốn thực hiện các cam kết khi tranh cử càng nhanh càng tốt nhưng hiệu quả rốt cuộc lại không như mong muốn. Đáng chú ý, sắc lệnh hạn chế nhập cư được bí mật soạn thảo bởi nhóm nhỏ các trợ lý của ông Trump. Các nghị sĩ cùng phần lớn quan chức chính phủ không biết gì về nó. Vì thế, không có gì khó hiểu khi sắc lệnh đã vấp phải sự phản đối và bị “soi” về mặt pháp lý ngay từ khi có hiệu lực hôm 27-1.

“Tôi không thể nhớ có tổng thống nào lại bước vào 100 ngày đầu nhiệm kỳ với nhiều rắc rối hơn (ông Trump)” - ông David Gergen, người từng làm cố vấn cho 4 đời tổng thống, nói với CNN. Ông Ari Fleischer, thư ký báo chí của Tổng thống George W. Bush, nhận xét ông chủ mới của Nhà Trắng không có sự nhạy cảm hoặc kỹ năng ngoại giao của một chính khách.

Đáp lại, ông Trump cho rằng sự bất ổn của các cơ quan chính phủ là do thượng viện chậm phê chuẩn những vị trí bộ trưởng được đề cử còn lại. Hiện nay, mới có 5 thành viên nội các của ông Trump được thông qua, ít hơn nhiều so với người tiền nhiệm Barack Obama vào cùng thời điểm.

Mặt khác, chính quyền ông Trump cũng có những bước đi trong nỗ lực xoa dịu nỗi lo đang bao trùm Washington, như điều phối nhiều hơn với những nghị sĩ Đảng Cộng hòa trước khi các sắc lệnh hành pháp được ký ban hành.

Trấn an NATO, Ukraine

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni hôm 4-2, ông Trump đã tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước đồng minh NATO chia sẻ gánh nặng về chi tiêu quốc phòng.

Phát biểu này khiến không ít người bất ngờ vì trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump nhiều lần tuyên bố NATO đã trở nên lỗi thời. Ông từng dọa giảm bớt sự ủng hộ dành cho các nước châu Âu thuộc NATO không hoàn thành bổn phận là thành viên của liên minh quân sự này, nhất là trong lĩnh vực chi tiêu quốc phòng.

Theo trang tin Sputnik, 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Ý cũng bàn luận về sự hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, trong đó có an ninh và chống khủng bố cũng như cuộc khủng hoảng tị nạn và tình hình ở Libya. Ngoài ra, Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Trump đã đồng ý tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G-7 ở TP Taormina - Ý vào tháng 5 tới. Đây dự kiến là chuyến thăm đầu tiên của ông Trump tới châu Âu trong cương vị tổng thống Mỹ.

Cùng ngày, theo báo Vzglyad, ông Trump và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko cũng điện đàm về vấn đề củng cố quan hệ đối tác chiến lược cũng như tình hình ở Donbass nói chung và bạo lực gia tăng ở khu vực Avdeevka nói riêng. Hai bên đã lưu ý sự cần thiết phải xác lập chế độ ngừng bắn đầy đủ. Hai vị tổng thống cũng đã thảo luận về chuyến thăm Washington sắp tới của ông Poroshenko. Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh nhiều vụ nã pháo vừa xảy ra tại Donbass, phá vỡ sự bình yên ở khu vực chiến tuyến.

Sau cuộc điện đàm với Tổng thống Poroshenko, ông Trump khẳng định sẵn sàng hợp tác với cả Kiev và Moscow để giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Theo trang Politico, ông Trump trong cuộc gặp với cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko hôm 1-2 đã cam kết các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì hành động sáp nhập bán đảo Crimea sẽ được duy trì cho đến khi Moscow rút khỏi đó. Lập trường này được xem là cứng rắn hơn những gì ông Trump công khai phát biểu liên quan đến mối quan hệ với Nga thời gian qua.

Lục San

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo