Bộ Ngoại giao Azerbaijan hôm 16-11 cũng cho biết các quan chức cấp cao Mỹ không được chào đón ở Baku vì lý do tương tự.
Trong khi đó, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho hay ông dự định tăng cường các nỗ lực chính trị và ngoại giao để ký hiệp ước hòa bình với Azerbaijan.
Những người tị nạn từ vùng Nagorno-Karabakh đến làng biên giới Kornidzor - Armenia. Ảnh: Reuters
Azerbaijan và Armenia đã xung đột trong nhiều thập kỷ, đáng chú ý nhất là vấn đề khu vực Nagorno-Karabakh. Nơi này được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan nhưng phần lớn dân cư là người Armenia và được chính quyền Yerevan hỗ trợ cho đến khi Baku tái chiếm hồi tháng 9.
Azerbaijan đặc biệt phản đối những bình luận "một chiều và thiên vị" hôm 15-11 của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ James O'Brien trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện.
Azerbaijan chỉ trích ông O'Brien nói rằng việc Azerbaijan sử dụng vũ lực vào tháng 9 đã khiến phần lớn trong số hơn 100.000 người Armenia phải sơ tán nhưng lại không đề cập đến việc "đóng quân bất hợp pháp của hơn 10.000 thành viên lực lượng vũ trang Armenia".
Azerbaijan cũng phàn nàn rằng ông O'Brien không đề cập đến việc trong hơn hai tháng qua, Armenia không phản hồi các đề xuất hòa bình của Azerbaijan. Tuyên bố của Azerbaijan cũng khẳng định Washington đang tiếp tục đề nghị hỗ trợ cho Armenia mặc dù Armenia là "bên xâm lấn và là nguồn cơn gây bất ổn trong khu vực".
Theo bản ghi được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện đăng tải, ông O'Brien nói rằng "không thể hợp tác bình thường" trong mối quan hệ giữa Washington với Baku.
Ông cho biết Mỹ đã hủy các cuộc gặp và giao lưu song phương cấp cao với Azerbaijan và sẽ tiếp tục thúc giục nước này tạo điều kiện cho người Armenia quay lại Nagorno-Karabakh khi cần.
Thủ tướng Azerbaijan Ali Asadov hồi tháng trước phát biểu tại một diễn đàn ở Tbilisi rằng Baku đã cam kết hòa bình và khôi phục các tuyến giao thông với Armenia kể từ năm 2020 nhưng tiến trình đó phụ thuộc vào Yerevan.
Bình luận (0)